|
|
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (bên trái) cho biết anh ảnh hưởng sâu sắc từ cha (người bên phải) về khả năng tự học, khao khát tri thức |
Năm ngoái, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Trung (An Giang) ra mắt cuốn Nương theo đuốc huệ tầm chân lý (Nhà xuất bản Hồng Đức) và tháng 3/2023, thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - con trai ông, đang là Trưởng bộ môn du lịch (Trường đại học Tôn Đức Thắng) - xuất bản Thư pháp là gì?.
Đây là tác phẩm tái bản sau 16 năm và là một trong những ấn phẩm dày công của thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín. Anh Tín được biết đến là nhà thư pháp, nhà sưu tầm tem, gốm, chủ nhân của trà quán Ông Đồ, diễn giả khách mời của nhiều chương trình văn hóa… Theo anh, những nỗ lực, may mắn, sự thành công của mình có bóng dáng người cha khả kính, yêu thương. Điều đặc biệt của cha con họ là cùng đam mê viết, nghiên cứu và đều có những ấn phẩm giá trị về văn hóa.
Trò chuyện với Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ: “Tôi thực sự may mắn có được ba và mẹ rất mực yêu thương và chăm sóc chu đáo cho con cái. Nếu như mẹ tôi có đức tính hy sinh, cần mẫn, tỉ mỉ, chịu thương, chịu khó thì ba tôi là một họa sĩ tài hoa, giao tiếp hòa nhã với bạn bè, ông luôn tìm tòi, sáng tạo. Có lẽ tôi may mắn thừa hưởng được “gen” hoa tay sáng tạo, nghệ thuật từ ba và tính tỉ mỉ, sắp xếp khoa học từ mẹ, nên tôi có 2 thú chơi với hành trình đầy đam mê, hỗ trợ tôi rất nhiều trong giảng dạy và trải nghiệm cuộc sống. Đó là thú chơi thư pháp và sưu tập bưu hoa (sưu tập tem) cũng như các thú sưu tập khác (gốm, gỗ, sách, ấm trà…).
Đặc biệt, ở ba, tôi ảnh hưởng sâu sắc từ ông về quan niệm nghệ thuật, sự cẩn trọng, tinh tế và khả năng tự học, khao khát tri thức”.
Phóng viên: Nếu nói về ba mình, anh sẽ nói điều gì? Những bài học lớn nào anh nhận được từ ông?
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín: Ông hay nói với chúng tôi, hãy học mọi lúc mọi nơi, bởi lẽ, ngày nay sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần. Tinh thần hiếu học của ông luôn là nguồn sáng cho tôi noi theo.
Ba tôi học bất cứ lúc nào, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi lần được về thăm nhà, tôi thích nhất là tấm bảng lớn treo trong phòng nghỉ của ba. Tấm bảng này được ông viết đầy ắp thông tin mà ông cập nhật, có khi là một câu thành ngữ, câu thơ hay, một quan niệm sống, lời nói của một vị danh nhân… Nó tựa hồ như một bản đồ tư duy và một bức tranh chữ đầy sống động.
Ba nói: “Ba già rồi, bộ nhớ không dung nạp được như người trẻ tụi con, nên viết lên bảng những điều tâm đắc, để đi ra đi vào có dịp đọc và lưu tâm, đó cũng là cách học, cách ghi nhớ của người già”.
Khi còn trẻ, ba tôi là chàng họa sĩ nghèo ở làng Hòa Hảo (Phú Tân, An Giang). Thập niên 1970, ở vùng quê không ai lạ gì với họa sĩ Trung hằng ngày ngồi trầm ngâm trong căn nhà thuê nhỏ hẹp, vẽ từng bức tranh phong cảnh, bảng hiệu và chân dung cho khách hàng để kiếm sống. Thuở ấy, ba mẹ tôi nào mơ đến chuyện sang giàu.
Nhưng cuộc sống, trí tưởng tượng và khả năng ham hiểu biết của ba đã hướng suy nghĩ của mình sang một rẽ đời khác. Thế là ba mẹ làm đủ thứ nghề, chịu khó, chắt chiu, tiết kiệm và dần dần ổn định với nghề trang trí nội thất. Khả năng sáng tạo, sự nhạy bén được ứng dụng vào các sản phẩm gỗ của ba vẽ mẫu, nên ngày càng được người tiêu dùng ưa thích. Từ đó, thương hiệu “xưởng mộc họa sĩ Trung” ở vùng quê cù lao được nhiều người biết đến và ngày càng phát triển, lan rộng đến ngày nay.
Ba tôi tâm đắc câu của người xưa: “Hạnh phúc chính là những hành vi đạo đức”. Ông chia sẻ với tôi: “Cuộc đời mỗi người là một cuộc tu hành, tu dưỡng cái tâm yêu thương và sự thanh thản. Nền tảng của hạnh phúc và thành công cũng chính là đạo lý làm người. Có lẽ vì thế nên ba không chỉ dạy con cái mà còn không ngừng tự dạy mình, tự nỗ lực học hỏi, để sống là mình và giữ được chính mình trong mọi biến động của thời cuộc. Nhân cách này của ba là điều tôi rất tâm đắc và noi theo”.
|
|
Ông Nguyễn Hiếu Trung và con trai - thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - cùng có đam mê nghiên cứu, viết sách |
* Ba và con đều viết và đã có sách cho mình. Ba anh khi đón nhận những thành quả mà 2 cha con đạt được đã có cảm xúc ra sao?
- Thực sự ông rất vui và hạnh phúc khi tác phẩm mình được ra đời. Ba tôi năm nay đã hơn 70 tuổi và tự nhận mình là một “chồi văn” vừa chớm nở. Ông bắt đầu tập tành nghiên cứu, viết sách từ năm 60 tuổi, xem như một thú chơi của tuổi về già, vừa thư giãn, vừa học tập.
Ông chia sẻ: “Trong tinh thần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, con người vốn năng động, cứ trú ẩn mãi trong nhà, ắt phải luẩn quẩn/cuồng chân trong tâm trạng âu lo, buồn chán. Tuy nhiên, tình cảnh này lại cho ta thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống, tĩnh tâm nghĩ về đạo pháp và nhìn lại xem mình đã cống hiến gì cho cộng đồng xã hội.
Chợt nhớ, lâu nay mình có viết nhiều bài đăng trên một số tạp chí. Do vậy, tôi bắt tay vào việc truy tìm các bài viết lưu trong email, ngoài tạp chí, trong thẻ nhớ và các bản thảo thất lạc đó đây. Nay được tập hợp lại, tuy chưa đủ nhưng cũng tạo thành ấn phẩm Nương theo đuốc huệ tầm chân lý để hân hạnh ra mắt quý độc giả”.
Cũng may mắn, quyển sách của ba được nhiều độc giả đón đọc và đánh giá cao. Nhà báo Phan Cát Tường đã nhận xét: “Có thể nói tác giả đã làm công việc hoằng pháp một cách hết sức khéo léo và tế nhị, dẫn dắt người đọc từ cái mà họ đang có, đang hiểu, đang sở hữu đến cái mà họ cần phải đạt đến trong lộ trình giải thoát. Công việc này đòi hỏi người viết phải có một chữ “Tâm” rộng lớn và chữ “Tầm” xuyên suốt”.
* Sắp tới, anh và ba có ra thêm sách? Có thể là một cuốn viết chung chẳng hạn?
- Tôi và ba cùng tâm đắc với quan điểm của cố học giả đáng kính Nguyễn Hiến Lê, là “Viết sách và dịch sách cũng là một cách tự học”. Khi muốn học về vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy. Bởi lẽ, “viết một cuốn sách là học cách tự đào tạo mình, nghĩa là tự tìm hiểu mình”. Quả thật, lời khuyên này đối với tôi là một bài học lớn và tôi tiếp tục viết sách với tinh thần khao khát được học tập, được có cơ hội khám phá về những điều mình quan tâm.
Tôi đang có 5 bản thảo với chủ đề văn hóa Việt và những thú chơi tĩnh lặng (trà, thư pháp, gốm, sách…). Ba và tôi dự định viết sách về tôn giáo bản địa ở miền Tây Nam Bộ từ góc nhìn văn hóa. Nếu hữu duyên sẽ in thành sách để lưu giữ kỷ niệm và để tri ân quê hương xứ sở của mình.
* Như anh chia sẻ, ba anh cũng ngoài 70. Ba anh đã chọn sống với tuổi già ra sao? Điều đó tác động đến suy nghĩ, con đường đi về tương lai của anh như thế nào?
- Ba tôi tâm đắc câu nói của nhà văn Groucho Marx (Mỹ) rằng: “Tuổi tác không phải là một chủ đề gì đó đặc biệt, bởi ai cũng có thể già đi. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là sống trọn vẹn trong những năm tháng tuổi đời đó”. Đối với ông, không bao giờ quá muộn để học điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, tôi vẫn thấy ông còn hoạt bát, minh mẫn, hằng ngày vẫn đọc tin tức, nghiên cứu sách vở, giao lưu với bằng hữu và tập tành viết báo để thư giãn. Có điều gì hay, mới lạ, ông hay gọi điện cho tôi chia sẻ; cha con tôi hay thảo luận về một chủ đề ba đang viết.
Tôi cảm nhận rất rõ nghị lực, sự cần cù, chịu khó, đam mê học hỏi, sáng tạo trong từng bài viết như cuộc đời phấn đấu không ngừng của ông.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tầm nhìn đánh giá của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận của con cái. Câu nói “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thực ra đã phản ánh một phần nào quan điểm này. Dù khi mình trưởng thành, mỗi cá thể đều phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân để thay đổi tư duy nhận thức, hòa nhập với cuộc sống; thế nhưng, những nhận thức có được ngay từ thuở nhỏ, những tư tưởng của cha mẹ, chính là nền tảng vững vàng nhất cho sự phát triển sau này.
Anh em chúng tôi thực sự may mắn và hạnh phúc khi học được cha mẹ chính từ nhân cách sống của ông bà.
Tôi tâm nguyện lúc nào cũng phải sống sao cho ba mẹ luôn hài lòng và hãnh diện với mọi người. Thiết nghĩ, đó là một trong những cách trả ơn thiết thực nhất.
* Xin cảm ơn ông.
Theo phụ nữ TPHCM