Roberts lúc hỏ và mẹ nuôi của mình

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1961, mẹ của Roberts lúc đó 20 tuổi và chưa lập gia đình. Sau đi mang thai và sinh ra Roberts, bà giao con cho một gia đình khác nuôi. Lúc bấy giờ, việc một người phụ nữ không chồng mà có con bị xã hội kỳ thị.

Roberts được một cặp vợ chồng sống ở quận Cửu Long (Hồng Kông) chăm sóc. Tuy nhiên, khi mẹ ruột không quay lại đón, Roberts được đưa đến Fanling Babies Home, một trại trẻ mồ côi ở Tân Giới. Khi Roberts được hai tuổi rưỡi, gia đình hiện tại đã nhận nuôi cậu. Roberts là một trong số nhiều đứa trẻ sinh ra ở Hồng Kông trong những năm 1950-1960 được các gia đình phương Tây nhận nuôi. Sau đó, Roberts được đến California, Mỹ, sống cùng gia đình mới gồm cha mẹ nuôi và 4 anh chị em.

Hành trình tìm về nguồn cội

21 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, Roberts trở lại Hồng Kông dạy tiếng Anh. Năm 2016, sau khi đọc một bài báo trên tờ South China Morning Post về việc đi tìm người thân, Roberts quyết định tìm hiểu về thân thế của mình. Cùng năm đó, ông trở về Hồng Kông, nhưng thay vì được biết đầy đủ thông tin của cha mẹ ruột từ Bộ Phúc lợi Xã hội, Roberts nhận được một tài liệu hàng trăm trang với lượng lớn thông tin được biên tập lại. Vấn đề bắt nguồn từ bối cảnh của Pháp lệnh Dữ liệu Cá nhân về việc nhận con nuôi nhằm bảo vệ cha mẹ và người nhận con nuôi khỏi việc tiết lộ thông tin cá nhân của họ.

Đoàn tụ với mẹ đẻ sau 60 năm - Ảnh 1.

Roberts ở sân bay Los Angeles, Mỹ, đến Hồng Kông, Trung Quốc, để gặp mẹ ruột

Một số manh mối quan trọng đã được phát hiện. Tên ban đầu của Roberts là Frank Brown, hay Pak Fat-lan trong tiếng Trung Quốc. Điều này thúc đẩy Roberts quyết định gửi mẫu ADN đến một trung tâm để xét nghiệm. Kết quả chứng minh ông có 97% gene của người Trung Quốc. Tháng 1/2020, một phụ nữ ở Hồng Kông liên hệ với ông. Người này cho rằng mẹ ruột của Roberts là người thân trong gia đình bà. Kết quả xét nghiệm ADN đã chứng minh mối quan hệ ruột thịt của hai người. Tháng 3/2020, Roberts đến Hồng Kông để gặp mẹ ruột thì đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến ông phải hoãn chuyến đi. Khi thời gian cách ly cho người nhập cảnh vào Hồng Kông giảm từ 3 tuần xuống còn 2 tuần, ông đã đặt vé máy bay.

Thời gian cách ly đã tạo điều kiện cho Roberts hoàn thành quyến sách "It’s called I’m home". Roberts nước mắt rưng rưng chia sẻ: "Quyển sách viết về trải nghiệm được nhận nuôi của tôi và công việc tôi làm để hỗ trợ những người vô gia cư". Theo đó, trong 25 năm qua, Roberts đã điều hành một tổ chức mang tên Path - People Support The Homeless nhằm giúp đỡ người vô gia cư. Tổ chức này hoạt động tại 150 thành phố ở California.

Đoàn tụ với mẹ ruột

Ngày 13/7, Roberts rời khỏi khu cách ly rồi đoàn tụ với mẹ ruột sau 60 năm xa cách. Roberts nói: "Đó là một chuyến đi đầy cảm xúc. Có rất nhiều nước mắt và cả thức ăn nữa". Mẹ của Roberts nay đã 80 tuổi, mỗi ngày đều nấu cho ông rất nhiều đồ ăn. Bà muốn bù đắp cho Roberts vì chưa từng nấu ăn hay mua đồ ăn cho con trong 60 năm qua. Hiện tại, Roberts đang gặp các thành viên mới trong gia đình. "Đột nhiên, tôi có một người chú ở Vancouver, một cháu gái ở Singapore và họ hàng ở Úc, Anh... thật không thể tin được. Tôi đã ăn tối với một vài người anh em họ. Họ cho tôi xem một cuốn sách ghi chép lịch sử gia đình của tôi qua 23 thế hệ. Thật ngạc nhiên", Roberts cho biết.

Kim Ngọc (Theo SCMP)