Hàng rào cây đã có từ lâu, bắt nguồn từ nét văn hóa thôn xóm và cả sở thích trồng cây của các bậc lão niên ngày xưa. Các loại cây cũng đa dạng. Có nhà thích trồng cúc tần với mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu. Có nhà với hàng chè tàu phủ một màu xanh um. Có nhà thì ưng hàng hoa giấy, dâm bụt... Còn nhà nội chúng tôi lại chọn hàng cây duối có sức sống dẻo dai, cành cây chằng chịt, lá xanh tốt, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt quanh năm.
|
|
Hàng rào ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa - quê nội của tác giả |
Trong ký ức tuổi thơ tôi, cả khu vườn rộng lớn như được gói gọn trong dãy hàng rào chạy dài. Đằng sau ấy là một thế giới thần tiên thú vị với những bí mật của trẻ thơ. Mọi cuộc chơi, những trò nghịch phá hay những cuộc trò chuyện không đầu không đuôi cứ được bọn trẻ con chúng tôi tập trung vào hết không gian này.
Đến hè, hàng rào hoa dâm bụt với màu đỏ chót, găng tây điệu đà với màu tim tím, hoa giấy hồng phớt, cam tươi hay trắng tinh đua nhau nở. Nhìn từ xa, cả hàng rào như tấm vải lụa xanh được đính thêm những hạt pha lê đỏ, tím, hồng, cam.
Ngày ấy, lũ trẻ con phải chờ người lớn đi làm đồng rồi mới dám hái hoa, kết thành một vòng hay bó hoa thật to để chơi trò "cô dâu - chú rể". Bọn con trai thì dùng chất nhớt từ lá dâm bụt giã nhuyễn, pha thêm ít nước để thổi bong bóng.
Mùa trái chín, lũ trẻ con lại háo hức thưởng thức những trái vàng, mọng nước, ngọt thơm từ những hàng cây duối. Lựa một góc hàng rào có bóng mát, bày biện thêm những loại trái cây vốn có sẵn trong vườn nhà để dùng chung, nào là ổi xá lị, xoài canh nông, nhãn lồng và trái đu đủ chín vàng ươm, rồi cùng nhau thưởng thức.
Còn với các bà, các mẹ, từng hàng rào cây bao quanh nhà cũng được xem là sợi dây kết nối tình thương. Nhỡ may khi nấu ăn, thiếu một chút đường hay bột ngọt thì cũng cậy nhờ nhà hàng xóm. Đứng bên hàng rào đưa cái chén qua để lấy mang về. Hay khi nhà bên cạnh nấu món ngon, các dì, các cô cũng truyền chén mắm, dĩa cá kho, tô canh chua qua bên hàng rào, mời hàng xóm ăn lấy thảo.
Theo dòng thời gian vội vã, con đường làng ngày nào đã có nhiều đổi khác. Duy chỉ có những dãy hàng rào vẫn nguyên vẹn như một “nhân chứng” trung thành của thời gian. Dường như đâu đó trong trái tim của mỗi chúng tôi, tình yêu với quê hương, với nguồn cội vẫn luôn đong đầy và tiếp diễn.
Theo phụ nữ TPHCM