Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình - vùng đất với khí hậu khắc nghiệt. Hè thì gió Nam gió Nồm oi bức, còn khi đông về, gió lùa qua ngạch cửa lạnh thấu xương. Bởi thế mà từ độ hè, nhà ai cũng tranh thủ lên rừng kiếm củi.

Làng tôi không có rừng, chỉ có những ngọn đồi thấp. Củi chủ yếu lấy từ đồi. Mẹ và dì tôi hay rủ nhau đi hái củi vào ban trưa, bởi sáng còn bận bán rau. Hôm nào chợ ế thì bỏ chợ, đi hái củi vào ban sáng. Trên chiếc xe đạp cà tàng, bụi tung mịt mù mà ai nấy vẫn tươi vui. Sau khi gửi xe đạp ở nhà dân gần đó, mọi người dắt díu nhau qua cây cầu gỗ đơn sơ bắc qua sông. Tôi sợ độ cao, lại hay tưởng tượng, đi trên cây cầu này nỗi sợ nhân lên thêm mấy phần. Mẹ bảo: “Đừng nhìn xuống dưới, cứ thẳng đường mà đi”.

leftcenterrightdel
 

Sau một hồi cố gắng, tôi cũng đến được bên kia sông. Nhìn lại cây cầu gỗ chênh vênh, lòng tôi trào dâng một cảm giác khó tả. Đó là sự vui mừng vì đã vượt qua thử thách, giống như sau này khi gặp khó khăn trên đường đời, tôi luôn tự nhủ: “Cứ thẳng đường mà đi”, như lời mẹ dặn.

Men theo con đường mòn lên tới đồi, mẹ và dì bắt tay ngay vào việc. Những cành cây to nhặt được, mẹ róc bỏ lá rồi gom cùng những cành nhỏ, chặt thành khúc dài vừa vặn mang vác. Cuối ngày, nắng dần tắt, trên vai mẹ và dì là những gánh củi lớn, chị em chúng tôi mỗi người ôm 2 bó nho nhỏ. Củi còn tươi, nặng trĩu những đôi vai lam lũ.

Áo mẹ ướt đẫm, dính vào lưng, nhễ nhại. Hồi đó, chúng tôi ngây ngô nào đâu biết “thương mẹ” là gì, chỉ biết sắp được về đến nhà để “đánh chén”, 2 túi áo đang căng phồng những trái ngon hái được từ trên đồi. Bây giờ nhớ lại, lòng tôi lại trào dâng niềm xúc động. Mẹ đã vất vả, hy sinh biết bao nhiêu để nuôi dưỡng chúng tôi nên người.

Tôi nhớ mãi cái cổ áo cũ rách trơ sợi vải, vừa bạc màu lại lốm đốm những vết thâm kim vì mồ hôi của mẹ. Cổ áo còn rách sờn, bện lên bao nhiêu lần cũng không lành nổi, thử hỏi vai, cổ mẹ có thể nào không ê ẩm mỗi khi gánh củi tươi về nhà?

Củi hái về được mẹ dựng đứng cho dễ khô rồi chất ngang ngoài vườn, dùng bạt phủ lên che mưa nắng. Trong bếp cũng chất đầy củi để mẹ thuận bề nấu nướng. Mẹ nấu nhiều món ngon lắm, nhưng tôi nhớ nhất là cơm cháy nấu nồi gang. Cơm cháy vàng ở phần đáy nồi, giòn rụm, nhai rôm rốp. Nếu có thêm chút nước thịt sền sệt nữa thì hết ý. Vị mằn mặn, beo béo của nước thịt hòa vào tảng cơm cháy giòn khiến chị em tôi mê mẩn, suốt ngày giành nhau trong tiếng mắng yêu của cha mẹ.

Tôi còn thích được ngồi bên bếp ấm vào những ngày đông. Ngọn lửa bập bùng, thỉnh thoảng củi kêu lách tách. Đôi khi còn sót cây củi ướt, nước trong thân cây tươm ra kêu xèo xèo, có khi còn xịt khói, xịt lửa, mẹ tôi thường bảo đó là lửa cười. Lửa thì cười còn mẹ tôi mắt nheo nheo vì khói, có giọt nước trong veo rơi xuống vì hơi khói đưa cay.

Giờ đây, nhà nào cũng dùng bếp gas bếp từ. Mẹ tôi cũng già hơn, chẳng còn sức để lên đồi hái củi. Bếp củi đen màu bồ hóng cũng lâu lâu mới đỏ lửa vào những lần mẹ nấu rượu hay nấu bánh chưng dịp tết. Thế mà ký ức về những ngày theo mẹ hái củi vẫn cứ sống động và vẹn nguyên lạ thường.

Tôi vẫn thấy đâu đây đống củi chất đầy ngoài sân, những lần rong ruổi kiếm củi khắp đồi và bao giọt mồ hôi mặn đắng thấm trên áo mẹ. Tất cả cứ len lỏi vào trái tim tôi, năm tháng chẳng mờ phai.

Theo phụ nữ TPHCM