Tháng Mười, mưa ướt cây lá và khoảng sân trước cửa, ướt cả con đường quốc lộ dẫn lối về nhà tôi. Dưới mái nhà ấm áp, tôi nhớ ba mẹ vô cùng. Tôi nhớ những đêm mưa ngày xưa, mưa cũng dầm dề như thế này, tôi ở trong vòng tay che chở của ba mẹ, xiết bao hạnh phúc.

Tôi nhớ ba, nhớ những mẩu thư tay ba viết cho tôi hồi tôi còn là sinh viên. Mỗi lần tôi về nhà là ba lại dúi vào ba lô của tôi 1 mẩu thư tay, viết trên tờ lịch. Tôi nhớ nhất là mẩu thư ba viết: “Con yêu quý, lần này con về người gầy, hơi xanh. Con nhớ ăn uống, giữ gìn sức khỏe để học hành, đừng lo cho ba mẹ”. Khi lên thành phố rồi, giở mẩu thư, tôi đọc, khóe mũi cay cay…

Tác giả và cha trong chuyến du lịch Hạ Long
Tác giả và cha trong chuyến du lịch Hạ Long

 Tôi nhớ ba, những lần dự đám giỗ với các bác, các cậu bên nhà ngoại, ngà ngà say, sẽ luôn kể: “Con bé Uyên 8 tuổi quán xuyến cả gia đình”. Năm tôi lên 8 tuổi cũng là năm mẹ tôi mất, 3 cha con nheo nhóc chăm nhau. Có những buổi chiều đi dạy về, ba thấy tôi chạy ào từ căn bếp lợp lá mía ra, khóe mắt đỏ hoe vì khói.

Ký ức của ba luôn dừng lại ở quãng đời tôi 8 tuổi đó - quãng đời của một đứa trẻ sớm côi cút, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ và phải tự chăm lo cho mấy cha con. Dù sau này tôi vui sướng thế nào, ba luôn thương tôi như cái hồi tôi 8 tuổi.

Tôi nhớ ba của cái ngày chở tôi bằng xe máy từ quê lên trường đại học để nhập học. Nhiều lần về sau, ba cũng tự đi xe máy từ quê lên thành phố để chăm lo cho tôi. Lần thì vì tôi chuyển nhà, lần thì vì tôi hết gạo, hết đồ ăn, lần thì vì tôi mua chiếc xe máy đầu tiên trong đời, cần có ba ở bên.

Những năm sau này, khi ba đã lớn tuổi hơn, ba mới chấp nhận đi xe khách lên thành phố thăm tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ đến lạ lùng cái dáng ngồi của ba trên chiếc xe máy cũ năm nào - cái dáng lòng khòng, thương thương. 

Tôi nhớ mẹ - người mẹ thứ hai của tôi, người đã cho tuổi thơ của tôi ấm lại và đủ đầy, hạnh phúc như những đứa trẻ khác có đủ mẹ, cha trên đời. Mẹ của những ngày tôi còn nhỏ, suốt ngày mẹ đi dạy thêm miệt mài kiếm tiền nuôi con cái.

Tôi nhớ cái xe đạp mini màu trắng đã cùng mẹ đi mười mấy cây số mỗi ngày. Cái xe đạp mini đã cùng mẹ và tôi đi qua bao nhiêu kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia của tôi. Trên yên sau chiếc xe ấy, tôi cười, tôi hát, tôi huyên thuyên đủ thứ mà không biết phía trước mồ hôi của mẹ chảy trên vầng trán.

Tôi nhớ mẹ của những ngày tự tay giã mè, giã chà bông cho tôi mang đi, hồi tôi học đại học. Tôi nhớ mẹ của những năm tháng tôi còn non trẻ, không thể một mình đi qua những vết thương lòng. May mà tôi có mẹ ở bên và lắng nghe, cho tôi những lời khuyên nhủ ân cần.

Tôi nhớ mẹ những ngày mới đây, khi tôi nằm viện chờ sinh. Mẹ chăm tôi kỹ lưỡng. Đêm, tôi thò chân xuống giường đi vệ sinh là mẹ nhỏm phắt dậy, đỡ tôi ngồi lên. Tôi nhớ vai áo gầy của mẹ thập thò ngoài cửa phòng chờ chạy máy đo cơn gò. Mấy cơn gò tai quái, cứ đêm về là dồn dập làm tôi và mẹ thức bao đêm.

Tôi nhớ mẹ của những ngày tháng sau này - khi tôi cũng đã làm mẹ. Những khi con khóc và tôi không ngủ được, mẹ nói tôi đưa con cho mẹ bế, tôi vào phòng mẹ mà ngủ. Tôi đi làm trở lại, mẹ cứ xót xa mãi vì tôi chưa nghỉ đủ 6 tháng.

Tác giả và mẹ tham quan Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Tác giả và mẹ tham quan Bảo tàng lịch sử Việt Nam

 Mẹ nhắc tôi kiêng nắng, gió, điện thoại và đủ thứ khác nữa. Suốt hơn 1 năm, tôi và con đã lớn lên bình yên trong vòng tay mẹ.

Tôi nhớ ba và mẹ thật nhiều trong cơn mưa ấy. Những giọt mưa chảy tràn trong sân như ký ức từ từ trở lại, sống động trong tôi. Thốt nhiên, tôi thấy mắt mình ngấn nước.

Ngày trước, tôi cứ nghĩ cuộc đời dài rộng lắm, thế mà giờ có vài khoảnh khắc tôi lại thấy cuộc đời thật ngắn ngủi. Có nhiều điều đã lỡ không sao lấy lại được, nhiều điều dẫu muốn tôi cũng không còn cơ hội để làm. Thoáng cái, ba mẹ tôi mái đầu đã điểm bạc.

Thoáng cái, bệnh tật đã ghé thăm 2 người. Ba tôi đã chớm bị gút, còn mẹ cũng bị thoát vị đĩa đệm và loãng xương. Hàng chục thứ bệnh không tên khác cũng kéo đến... Tôi chỉ mong thời gian đừng trôi nhanh quá, để tôi còn kịp thực hiện những điều dành tặng cho ba mẹ. 

Theo phụ nữ TPHCM