Bà Nguyễn Thị Ba, ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương là giáo viên tiểu học đã về hưu được 7 năm nay.
Chỉ vào tấm ảnh cũ có mặt mình chụp năm 1974 ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, bà nói: "Tôi chụp cùng bạn học trong lớp tu nghiệp giáo chức tiểu học. Hồi đó ai cũng đôi mươi mà giờ đều về hưu hết rồi, có người đã sang nước ngoài định cư hoặc không còn nữa", bà nói.
Năm 2003, bà về hưu, vì không có chồng con nên chuyển về Vĩnh Long sống cùng gia đình anh trai một thời gian. Nhưng vì nhớ quê hương, bạn bè và học trò nên bà về lại Bình Dương thuê trọ, sống bằng khoản lương hưu và tiền dạy kèm.
"Năm năm trước tôi đã tính vào viện dưỡng lão sống. Sau khi đến tham quan tôi nhận ra nếu vào đây thì mình sẽ buồn chán vì chẳng biết làm gì nữa", bà Ba kể. Từ đó, bà chọn đi bán vé số cho đỡ phải ngồi không ở nhà.
Mỗi ngày, bà lấy khoảng 100 tờ vé số, đi bán ở các quán cà phê, nhà hàng... quanh khu phố, từ sáng đến chiều.
Trong lúc đi bán, bà cụ 72 tuổi gặp nhiều em nhỏ phải mưu sinh sớm, phần lớn đều học hành dang dở hoặc không biết chữ. Nghĩ mình là giáo viên lại vẫn còn sức khoẻ, bà xin vào dạy học miễn phí cho một lớp học tình thương trong phường Phú Cường.
Khoảng 15h sau khi bán xong vé số, bà Ba về lại phòng trọ soạn sơ giáo án trước khi đến lớp học tình thương lúc 16h30.
Lớp tình thương cách nhà gần 2 km, bà thường đi bộ đến, chỉ khi nào mệt mỏi mới gọi xe ôm chở. Lớp học bắt đầu lúc 17h30 nhưng bà giáo già thường đến sớm khoảng một tiếng để chuẩn bị bữa ăn chiều, do mạnh thường quân tài trợ cho các bé.
Trước giờ vào học, bà Ba cùng lớp trưởng điểm danh sĩ số. Lớp hiện tại có 19 học sinh nhưng rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Hầu hết học trò đều có hoàn cảnh khó khăn, học không đúng lứa tuổi, có bé phải đi làm thêm từ sớm.
Sau phần điểm danh, bà giáo về hưu nhận xét từng bài kiểm tra của học trò. "Từng bài tôi đều có lời phê kỹ càng và nhận xét cụ thể. Em nào làm bài tốt, thể hiện sự tiến bộ tôi đều đề nghị cả lớp vỗ tay động viên", bà Ba nói.
Lớp học tình thương rộng chừng 15 m2, có bàn cao thấp khác nhau vì học trò ở nhiều lứa tuổi. Bà Ba đảm nhận dạy tiếng Việt và những môn khoa học xã hội, trong khi môn khoa học tự nhiên do một thầy khác giảng dạy.
Ba chị em Yến Nhi (16 tuổi, góc phải) chăm chú trao đổi sau khi được giao bài tập. Cả ba chị em đều học hành dang dở, đang theo học chương trình lớp 5, ban ngày đi phụ bán quán phở. Ngoài ra, em trai của Nhi cũng đang học lớp 3 tại đây.
"Mấy chị em theo học lớp cô Ba từ năm lớp một đến giờ rồi. Cô dạy tận tình, chỗ nào không hiểu cô đều chỉ cặn kẽ. Trong giờ học cô nghiêm khắc lắm, không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ bọn em biết điều hay lẽ phải", Yến Nhi cho biết.
Huỳnh Thị Kim Hạnh là học sinh lớn tuổi nhất lớp, 33 tuổi. Chị mới đi học khoảng bốn năm nay, đang theo chương trình lớp 5. Chị không được nhanh nhẹn, tư duy chậm nên học yếu hơn bạn bè, mới thành thạo đọc viết.
"Lúc trước có mấy bạn tình nguyện viên đến dạy nhưng mỗi người một kiểu nên tôi học mãi không vô. Nhờ có cô Ba chỉ dạy mà tôi tiến bộ dần, năm nào cũng lên lớp. Cô tốt lắm, học trò nào cũng tìm hiểu hoàn cảnh để tặng quà, thực phẩm, sách vở...", chị Hạnh nói.
19h, sau khi dạy xong, bà Ba lại đi bộ về phòng trọ. Có những hôm ở nhà buồn, bà tranh thủ bán thêm ít vé số vào buổi tối.
Trong căn nhà trọ rộng 15 m2, nếu hôm nào không phải chấm bài kiểm tra, bà giáo thường ngồi trên ghế coi tivi. Bà cho biết, một tháng kiếm được gần 3 triệu đồng từ bán vé số sẽ dành khoảng một nửa giúp đỡ học trò, người nghèo. Phần lương hưu bà dùng để trả nhà trọ, chi tiêu sinh hoạt cũng như tiết kiệm cho tuổi già.
"Tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại khi được làm công việc mình yêu thích lại không quá lo lắng về tiền bạc. Hơn nữa tôi cũng ít bệnh tật, giờ chỉ mong có sức khỏe để dạy các em biết chữ", bà giáo già tâm sự.
Theo vnexpress