Mẹ già tập nhắn tin cho con
Cập nhật lúc 10:40, Thứ năm, 11/05/2023 (GMT+7)
Có lần tôi phát cáu với mẹ: “Vào giờ làm việc nếu không có việc cần kíp mẹ đừng gọi con”. Mẹ buồn, giọng chùng lại: “Ừ, mẹ nhớ rồi”.
Đang giờ làm việc thì tôi nhận được tin nhắn: “Bao giờ con về nhà?”. Tôi hơi khựng lại, ngạc nhiên. Sau chút tò mò thì tôi nhấc điện thoại lên gọi về. Đầu bên kia, mẹ nhấc máy ngay, như thể mẹ luôn chờ ở đó, đợi cuộc gọi của những đứa con xa nhà.
“Hôm nay mẹ mua được cái kính lão mới, mẹ nhìn rõ chữ để nhắn tin rồi”. “Sao mẹ không gọi điện cho nhanh?”. “Thôi, mẹ sợ đang giờ làm, các con không tiện thì lại phiền”. À ra vậy. Mà đúng là có vài lần tôi thấy… phiền thật. Đang giờ làm, giữa cuộc họp, đang tiếp khách… Mỗi khi mẹ gọi lại toàn hỏi hoặc nói những chuyện đâu đâu.
Có lần tôi phát cáu, tôi dặn mẹ: “Vào giờ làm việc, nếu không có việc cần kíp mẹ đừng gọi con”. Mẹ buồn, giọng chùng lại: “Mẹ nhớ rồi”.
Giờ thì tôi đã hiểu. Nếu không hướng tới những đứa con với những băn khoăn, lo lắng, thì mẹ biết làm gì cho trọn một ngày. Mẹ lo các con bỏ bữa, lo cơn mưa chiều ập tới các con không mang theo áo mưa. Lo tính con đểnh đoảng không khoá kỹ cửa nhà rồi sẽ mất mát… thành phố xô bồ mà. Bao nhiêu lần mẹ than thở vậy. Rồi mẹ gọi, mẹ nhắc, rồi lại than.
Hôm sau tôi nhận tin nhắn của mẹ: “Sáng nay mẹ đi chợ mua được đôi gà đẹp lắm. Hôm nào về mẹ làm thịt ăn nha”. Tôi phì cười. Thành phố nơi tôi ở có thiếu món gì đâu. Nỗi lo lắng của mẹ cho đứa con đã ngoài 30 tuổi hệt như lo cho đứa nhỏ chưa thể tự lo thân.
|
|
"Con nó nhắn tin cho tui nè ông"... (ảnh minh hoạ) |
“Mẹ ra vườn, cây khế đậu nhiều trái lắm”. Một tin nhắn có lẽ vừa khi mẹ ở ngoài vườn vào. Tôi tưởng tượng mẹ phải dí sát mắt kính xuống màn hình điện thoại để dò từng kí tự. Tưởng tượng thôi đã thấy buồn cười, mà lại thương.
Nhưng rồi, tôi chợt chạnh lòng. Mẹ còn có ba ở nhà, có bà Sáu, chú Tư, có dì út ở kế bên… Nhưng mẹ đang háo hức ngồi một chỗ, cắm cúi gõ từng con chữ bé tí để soạn thành tin nhắn chỉn chu gửi con gái.
“Sáng nay mẹ luộc khoai ngon quá trời. Mẹ nhớ con thích ăn khoai mật quê mình. Con ăn sáng chưa?”. Tin nhắn của mẹ thường có nội dung đại loại vậy. Từ khi biết soạn tin nhắn, có vẻ mẹ rất hào hứng với khám phá mới mẻ. Thi thoảng rảnh rỗi, tôi cũng nhắn lại cho mẹ. Chắc rằng sau cái tiếng “tinh” báo tin nhắn đến, mẹ lại lọ rọ tìm kính, rồi lầm rầm đọc như trẻ con tập đọc chữ, có khi hân hoan khoe với ba: “Con nó nhắn lại cho tui nè ông”. Nghĩ bấy nhiêu thôi, lòng tôi cũng ngập tràn phấn khởi.
Thấy tôi hay đọc tin nhắn rồi tủm tỉm một mình, chị đồng nghiệp hỏi: “Bộ em đọc tin nhắn của bồ sao mà vui đến vây?”. Tôi cười phá: “Tin nhắn của mẹ em đó. Vui lắm chị”. “Ủa mẹ em nhắn được tin hả? Bà giỏi quá… Ước gì ngày trước mẹ chị cũng nhắn được tin, thì giờ còn có cái mở ra xem lại…”. Câu nói của chị bỏ dở chừng, làm tôi cũng chùng lại.
Hoá ra tin nhắn còn là nơi lưu giữ những ý nghĩa đẹp đẽ như thế. Những thăm hỏi, dặn dò tưởng như "tầm phơ tầm phào", nhưng mang đến giá trị tinh thần lớn lao đến vậy.
Tôi không còn thấy “phiền” khi nhận điện thoại hay tin nhắn của mẹ nữa. Mỗi một thanh âm trìu mến, quen thuộc từ mẹ khiến tôi ấm lòng, yên tâm suốt một ngày làm việc dài. Còn gì hạnh phúc hơn khi ở nhà, mẹ mình đang bình yên ngồi soạn những tin nhắn...
Theo phụ nữ TPHCM