- Mùi củi cháy thơm quá!

Bác trai chụp cái mũ kín đầu bán hàng trên đỉnh đèo Đá Trắng (Mộc Châu) nhìn tôi, gật gù: “Khách vào đây chỉ khen mùi thịt nướng, bắp nướng thơm. Lần đầu bác nghe đến mùi củi cháy”.

Tôi sinh ra ở miền Trung đầy nắng và gió. Nhưng mùa đông đến, quê tôi cũng hứng chịu cái rét cắt da, cắt thịt. Nhà tôi ở cuối xóm, nhìn ra cánh đồng mênh mông nên lúc nào cũng hun hút gió. Hồi cưới nhau, ba mẹ tay trắng, xoay xở gây dựng được ngôi nhà tạm. Cửa chính ra vào là mấy tấm gỗ tạp tận dụng được còn các cửa sổ thì bịt bằng mấy tấm ni lông.

leftcenterrightdel
 

Ba mẹ ngủ trên liếp giường kê dưới đất, chiếc giường duy nhất để dành cho chị em tôi. Giường kê cạnh cửa sổ, cái mền bông xù xì, nặng trịch nhưng chẳng đủ ấm nên mỗi khi gió lùa, chị em tôi lại nằm co như tôm rồi rúc đầu vào nhau.

Cuộc sống thiếu thốn đã hình thành trong chúng tôi thói quen tiết kiệm. Chị em tôi mỗi khi thu hoạch hoa màu xong đều biết gom thân cây đậu, bắp, đào gốc mía, cắt cây dại ven bãi, quét lá phơi khô làm chất đốt. Những cành cây ba chặt quanh vườn, sau khi phơi khô sẽ được bó thành từng bó gọn gàng, cất riêng một góc, để dành cho những ngày đông, những ngày mưa phùn, gió bấc. Những ngày đó, mấy thứ lá cây và dây củi khô ỉu xìu, rất khó bắt lửa.

Những ngày đông, bếp nhà tôi dường như đỏ lửa suốt ngày. Tôi vẫn gọi là mùa củi cháy. Mẹ đùa, trêu tôi là đứa “thính” nhất nhà khi có thể phân biệt được mùi củi mít hay mùi củi bạch đàn, xà cừ đang cháy trong bếp… Sáng sớm ngủ dậy, trời lạnh, tôi chạy vào bếp hơ tay trên lửa rồi áp lên má, hơi ấm cứ thế lan tỏa khắp mặt.

Có những hôm trời mưa, quần áo chẳng kịp khô, sáng dậy mẹ lại mang ra hơ trên bếp cho chị em tôi kịp đến trường. Trời lạnh, chị em tôi rất ngại tắm vì phải nấu nước. Nhà đông người, có lúc ấm nước chia đôi, khoát cho ướt người rồi chạy vào. Mâm cơm ngày đó chỉ là dĩa nhút mít xào, cà luộc chấm chẻo (làm từ đậu phộng rang giã nhỏ và gia vị), thi thoảng có thêm nồi cá diếc nhỏ bằng ngón tay, om với dưa mà cả nhà xuýt xoa.

Trước lúc đi ngủ, mẹ vùi nồi bắp hầm cạnh bếp để sáng mai cả nhà dậy lót dạ rồi gắp những viên than hồng cho vào thau gang đặt cạnh giường, sưởi ấm cho chị em tôi. Tôi nhớ hơn cả là đêm cuối năm, ngồi canh nồi bánh chưng cùng ba. Ba kê bếp bằng mấy viên gạch chồng lên nhau rồi đặt cái xoong to đùng lên. Nhà tôi chỉ có một ít bánh, còn lại là của các chú, các bác họ hàng gửi nấu cùng.

Tôi xách cái đòn gỗ ra ngồi cạnh ba, thích thú gạt những viên than đỏ rực nướng vài lát thịt mà ba đã bớt lại lúc gói bánh chưng rồi xiên sẵn vào thanh tre vót nhọn cho tôi. Trong tiếng củi nổ lách tách, ba đùa: “Không biết bao giờ ba mới có thằng con rể thức trông bánh chưng cho đây”.

Ba đã không chờ được ngày nhìn thấy người đàn ông thay ba cùng tôi ngồi canh nồi bánh chưng mỗi dịp tết. Mẹ cũng đã khuất núi, chị em tôi lớn lên đều có gia đình riêng; cuộc sống ở quê tôi cũng đã đổi thay nhiều, nhưng căn nhà thân thương gắn bó với tuổi thơ gian khó, đong đầy yêu thương của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức mà mỗi lần chạm vào, tim tôi lại rung lên thổn thức.

Theo phụ nữ TPHCM