Làm "hàng xáo" nuôi gia đình

leftcenterrightdel
 Cụ Lương Thị Quý

Trong ký ức của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tuổi thơ của anh ngập tràn âm thanh lao động của mẹ. "Mẹ tôi quê gốc Hà Tĩnh, mẹ ra Hà Nội sống cùng chúng tôi đã được 33 năm. Ngày tôi khoảng 6-7 tuổi, vào khoảng năm 1963 - 1964, bố đi dạy học xa nhà, còn mẹ thì vừa làm ruộng, vừa tham gia công tác Hội Phụ nữ xã, vừa chạy chợ kiếm sống. 

Buổi sáng, khi các con còn ngủ say, đã nghe tiếng mẹ xay lúa ù ù, rồi tiếng giã gạo, dần sàng. Đó là những âm thanh quen thuộc khi mẹ thức dậy sớm để làm "hàng xáo". Tấm để ăn, cám nuôi lợn, còn gạo thì mang ra chợ bán", nhà thơ Lê Cảnh Nhạc kể.

Thời vất vả ấy, cuộc sống của người mẹ ấy hầu như không có thời gian nào được nghỉ ngơi. Trước khi đi chợ, bà quẩy gánh theo đàn trâu người ta lùa vào núi chăn dắt để nhặt phân trâu, sau đó mới quay vào nhà gánh gạo ra chợ bán. Thu tiền bán gạo thì bà mua 1 gánh chè xanh khoảng 30 kg. 

Cứ vào buổi trưa, bà lại nhặt chè xanh bó lại cho tươm tất rồi gần tối gánh chè xanh xuống chợ Trổ, cách nhà 15km. Trời tối rồi nên ở nhà bà ngoại, sáng hôm sau, bà ra chợ Trổ bán chè xanh, lấy tiền mua một gánh thóc quay trở về nhà, kịp sáng hôm sau dậy sớm quay vòng làm "hàng xáo".

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc kể về cuộc sống thời trước của mẹ mình: "Cuộc sống của mẹ cứ tiếp diễn như thế từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi chúng tôi lớn lên đi trọ học xa nhà. Đến mùa vụ, các xã viên nộp phân xanh cho hợp tác xã. 

Tuy nhà tôi không có trâu bò nhưng khối lượng phân xanh của mẹ bao giờ cũng cao nhất đội sản xuất. Khối lượng đó được quy ra điểm. Khi ăn chia sẽ căn cứ vào số điểm tổng hợp của nhiều mục trong sản xuất để nhận chia thóc".

Dù vất vả, trăm công nghìn việc đến tay như vậy, nhưng trời phú cho bà Quý sức khỏe tốt. Bà càng lao động càng khỏe ra. Thường thì chỉ có nam giới mới đi ngược ngàn chặt nứa xuôi bè về đan lát, chống lụt. 

leftcenterrightdel
Cụ Lương Thị Quý cùng con trai - nhà thơ Lê Cảnh Nhạc - chơi golf trên tàu trong chuyến du lịch vịnh Hạ Long mới đây 

Bà là người phụ nữ duy nhất trong làng theo cánh đàn ông ngược ngàn chặt nứa. Tính bà khoáng đạt, nhanh nhẹn, rộng rãi, lại nấu ăn ngon nên trong làng xã, nhà ai có chuyện hiếu hỉ, cưới xin, ma chay đều đến nhờ bà làm cỗ. Hồi đó không phải thuê mướn công xá "cơ chế thị trường" như bây giờ. Chỉ là hàng xóm láng giềng giúp nhau thôi.

"Tôi nhớ có lần mẹ dậy rất sớm, bỏ buổi chợ để làm cỗ cưới cho một nhà trong rừng Chùa. Mẹ xắn tay cùng người nhà vào chuồng bắt lợn rồi làm thịt, sau đó tự tay nêm nếm, gia giảm, cùng vài người nhà trợ giúp nấu nướng, bày mấy chục mâm cỗ, mỗi mâm 6 món, mới buông tay. Mẹ không quên chạy về nhà lấy thêm mì chính của nhà mình cho vào chảo canh "cho ngọt nước". 

Hồi đó mì chính hiếm lắm. Nhà tôi có tiêu chuẩn tem phiếu giáo viên của bố nên mới có để dành. Đến trưa, mọi người ngồi vào bàn ăn, còn mẹ mệt quá, lặng lẽ quay về nhà nằm. Mọi người bủa đi tìm. Khi biết mẹ đã về nhà liền cho mang một mâm cỗ đến "cảm ơn". 

Mẹ ngồi dậy khua tay: "Không không, tôi không lấy đâu. Đưa về cho đủ cỗ. Tôi tính rồi, thiếu cỗ thì lấy đâu ra, khách đến không có thì chết dở". Rồi mẹ nhón tay lấy miếng trầu, rót chén rượu "khà…" một cái và nguây nguẩy bắt anh con chủ nhà mang cỗ về. Tính mẹ tôi là thế, không nề hà công việc gì. Giúp được ai cái gì là hết lòng hết sức, không bao giờ tính toán thiệt hơn", nhà thơ Lê Cảnh Nhạc kể lại.

Anh còn nhớ, có đêm đã 2 giờ khuya, 1 cậu bạn cùng lớp của anh đứng ngoài hàng rào gọi toáng lên: "Bác ơi, mẹ cháu sắp đẻ rồi!". Vậy là bà Quý vùng dậy, tất tả chạy sang nhà hàng xóm đỡ đẻ, đến sáng mới về.

Tình yêu thương của mẹ

Bà Quý sinh được 5 người con. Mỗi đứa con ra đời là cả một kỳ tích vượt cạn của bà. Năm con gái thứ hai được 12 tuổi, bé bị sốt cao, co giật rồi mất, bà đau đớn lắm. Ngày ấy, thuốc men thiếu thốn, cứ "trời sinh voi sinh cỏ" mà tới, mà đi qua những sự kiện trong cuộc đời. 

leftcenterrightdel
Cụ Lương Thị Quý trong một chuyến du lịch 

"Mẹ tôi sinh chị cả trên đường đi chợ huyện Đức Thọ nên đặt tên chị là Thọ. Còn tôi chào đời trên chiếc chõng tre. Một mình mẹ chuẩn bị để vượt cạn. Biết sắp lâm bồn, mẹ nấu nồi nước sôi, cắt cái liếc nứa (da cây nứa rất sắc), nhúng nước sôi để cắt rốn cho con và sắm một cái roi tre để canh chừng chó. Sinh nở xong, mẹ gọi chị tôi vào trông em để mẹ ra sông tắm", nhà thơ Lê Cảnh Nhạc xúc động kể lại.

Trong ký ức của người mẹ ấy không chỉ có những ngày cơ cực, đói khổ, mà còn có cả tình người đùm bọc lẫn nhau. Những năm của thập niên 50 thế kỷ trước, một lần bà đi chợ Bộng đã gặp một bà lão ăn mặc rách rưới, khốn khổ chìa nón xin ăn. 

Hỏi chuyện ra, bà Quý mới biết bà người Thanh Hóa, gia đình chết đói hết từ năm 1945, chỉ còn mình bà sống sót lưu lạc vào Hà Tĩnh. Bà Quý thương quá, đã đón bà về nhà nuôi. Dân làng gọi bà là bà Nuôi. Các con của bà Quý cũng chỉ biết tên bà là bà Nuôi. 

Sau cải cách ruộng đất, bà được đội cải cách cấp một gian nhà "quả thực" - nhà lấy của địa chủ chia cho bần cố nông. Nhiều năm sau đó, bà đi trông trẻ cho người ta. Khi già yếu, bà Nuôi phải bán gian nhà được cấp đi để lấy tiền sinh sống. 

Khi ấy, bà Quý tìm đến đón bà về 1 lần nữa nhưng bà ngại, sợ làm phiền tới ân nhân nên đã nhờ hợp tác xã ngăn cho một gian trong nhà kho, ngày ngày đi mót khoai mót lúa về ăn. Thỉnh thoảng, bà Quý lại mang cho bà Nuôi thứ này thứ khác.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nhớ lại: "Cho đến sau này, khi tôi đã trưởng thành, công tác ở Hà Nội, tôi đón mẹ tôi ra ở cùng để tiện chăm sóc, mẹ nói nguyện vọng muốn xây cho bà Nuôi ngôi mộ thật đàng hoàng, để bà cô quạnh ngoài đồng thì thương lắm. Ngay sau đó, hai mẹ con đã về quê xây mộ cho bà. Mỗi lần về quê, mẹ lại yêu cầu dẫn mẹ đến thắp hương cho bà Nuôi".

Thượng thọ

Kể về sự nhanh nhẹn của cụ Lương Thị Quý, gia đình nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cho biết, vì gia đình ở trên lầu 23 tại chung cư khu Times City Hà Nội nên có lần nghe chuông báo cháy, mẹ chạy thoăn thoắt xuống tầng 1, chân đi tất không kịp xỏ dép. 

Bà xuống bên dưới hỏi bảo vệ thì được biết chuông reo vì tầng 5 có nhà thắp hương, khói bay lên khiến chuông báo cháy kích hoạt. Lập tức, mẹ quay trở lại tầng 23 để báo cho cả nhà biết là "không sao cả". Khi đó, mọi người còn vẫn chưa ra khỏi phòng.

Năm cụ Quý thượng thọ 100 tuổi, cụ được nhận Thư chúc thọ và áo lụa do Chủ tịch nước gửi tặng. Cụ không cho các con tổ chức Lễ mừng thọ ồn ào mà chỉ mong rằng đầu xuân, các con, cháu về quây quần quanh cụ là được. 

Ngày mồng một Tết, cụ Quý vẫn dậy sớm đi dạo hồ và tập thể dục như thường ngày. Trước đó, cụ đề nghị đưa cụ đến hiệu uốn tóc để "sang tuổi mới cho đàng hoàng tươm tất".

Mới đây, cụ Quý đi cùng các con lên tàu du lịch dạo quanh vịnh Hạ Long. Cụ đã có buổi đi chơi golf vui vẻ trên tàu, đi bơi. Cuộc sống "như Tiên" của người mẹ 101 tuổi khiến nhiều người trầm trồ, bái phục.

MẸ VĨNH HẰNG

Con chào đời

Lộc nhú từ cây, mầm ươm từ đất

Mẹ dắt con đi

Bằng tiếng ầu ơ trái đất bầu trời

Tiếng ru nhân nghĩa cuộc đời

Cho con thương yêu cái cò cái vạc

Yêu những luống cày, yêu người gieo hạt

Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi

Con lớn lên, đồng níu mẹ hai vai

Bão giật tháng Ba, lũ tràn tháng Tám

Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn

Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần

Cắm bàn tay giá buốt xuống đồng

Để cây lúa trổ đòng đơm hạt mẩy

Cơm trọ trường xa dành con mùa gạo mới

Mẹ lót chum khoai chống chọi với mùa màng

Câu hát lời ru nuôi lớn tâm hồn

Hạt gạo củ khoai cho con dáng vóc

Gửi con vào đời bao niềm mong ước

Tối lửa tắt đèn mẹ chẳng muốn con hay

Ngóng tin con bấm đốt từng ngày

Con khôn lớn nên người là bếp nồng đêm lạnh

Mẹ chẳng đợi gì hơn dẫu chiều tà sương động

Vin bóng buông màn khi nắng tắt trăng lên

Cuộc đời con có mẹ, có mùa xuân

Có tiếng hát của sông dài biển rộng

Con xin mẹ vĩnh hằng đừng bao giờ tắt nắng

Dù bóng xế chiều, tóc mẹ trắng phơ bay

(Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết tặng mẹ)

Đinh Thu Hiền