|
|
Các em nhỏ chăm chú tập viết chữ |
Cô giáo như mẹ hiền
“Giúp các em trở thành người tốt”. Câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng đó là động lực phấn đấu hơn 20 năm qua của những cô giáo trong các lớp học tình thương ở vùng cực Nam của Tổ quốc.
Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thu Thiết (ngụ phường 6, TP Cà Mau) nằm ven kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, hằng ngày đều vang lên tiếng ê a đánh vần. Có em 15, 16 tuổi còn học lớp Một, có bé 8-9 tuổi học lớp Ba, lớp Bốn. Có những bé mới 6 tuổi nhưng đã quen với các tiếng đệm nói tục, chửi thề.
Tấm bảng được chia làm 2, có khi làm 3, cũng giống như tấm lòng của cô giáo Thiết, phải chia ra mới đủ chỗ, đủ kiên nhẫn dạy cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt như thế này. Em Phạm Hoàng Cường mồ côi mẹ từ nhỏ, dáng người nhỏ xíu, gương mặt đen đúa hốc hác, chỉ có ánh mắt sáng ngời, tràn đầy niềm vui khi vừa giải được bài toán mà cô giáo vừa ra đề.
Trước đây, Cường theo cha lặn sông để mò phế liệu nên không có điều kiện đến trường. Sau khi biết được lớp học cô Thiết thì 3 năm nay, sau buổi đi làm cùng cha, Cường đều đặn đến lớp. Giờ em đã có ước mơ và cha em cũng đã có hy vọng từ em. “Cha nói, ráng theo cô học rồi lớn lên đi làm có tiền, đừng giống cha suốt ngày lặn hụp. Bữa đó em đi ngang lớp, nghe cô dạy các bạn, em mê nên xin cha cho đi học. Cô hiền lắm, giống như mẹ em hồi trước, hay xoa đầu em rồi nhắc em khi em làm gì sai” - Cường bẽn lẽn khoe.
Hoàn cảnh chị em bé Huỳnh Bảo Trân càng tội nghiệp hơn khi cha vướng vào vòng lao lý, mẹ bỏ đi khi em của Trân mới tròn 1 tuổi. 2 em phải sống với ông bà nội. Bà nội bị tai biến ngồi một chỗ, ông nội bị bệnh không đi làm được, hằng ngày phải sống nhờ sự cưu mang của hàng xóm.
Hơn 12 tuổi, Trân biết đến lớp của cô Thiết và xin theo học. Cô bé cười nói: “Cô Thiết hiền lắm. Cô giúp tụi em biết chữ, dạy tụi em làm người tốt, còn giúp nhà em rất nhiều quà, gạo”. Bà Hứa Thị Tuyết - bà nội của bé Bảo Trân - cho biết, dù 2 đứa cháu của mình đã theo học cô Thiết được mấy năm nay nhưng bà chưa phải tốn tiền mua cây viết, cuốn tập cho các cháu.
|
|
Giờ ra chơi, các em háo hức chia nhau quần áo, ba lô của nhà hảo tâm trao tặng |
Mẹ, con cùng đi học
Cũng giống như lớp học của cô Thiết, lớp học của cô giáo Lê Thị Bích Thủy ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cũng tồn tại hàng chục năm nay.
Có hàng trăm học trò nghèo đã trưởng thành từ lớp học này. Sau khi nghỉ hưu, cô Thủy mở lớp học tình thương để giúp những trẻ em cơ nhỡ, khó khăn biết đến con chữ.
Hoàn cảnh cô Thủy cũng rất khó khăn. Chồng cô trước đây làm nghề chạy xe ôm. Những năm gần đây, ông bị bệnh nên việc đi lại khó khăn. Ngoài thời gian ở bên chăm sóc chồng, cô Thủy dành trọn 3 buổi mỗi tuần để đến lớp học tình thương.
“Mấy đứa nhỏ trong lớp làm đủ mọi nghề. Đứa thì lượm ve chai, đứa đi bán vé số, làm cỏ mướn. Có nhà cả mấy mẹ con cùng đến học. Mình dạy các em cái chữ, dạy các em cách sống sao cho đàng hoàng, thành người tử tế” - cô Thủy tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Linh (31 tuổi, ở ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) cùng 2 con gái đến lớp để học chữ. Cô con gái lớn của chị Linh năm nay đã học được tới lớp Bốn, cô con gái nhỏ vừa qua lớp Một. Chị Linh cho biết, chị đi học một phần để biết chữ và một phần để dạy con ý chí cố gắng vươn lên.
“Nhà nghèo nên đến giờ tôi vẫn chưa biết chữ, thiệt thòi đủ điều. Ra đường thua sút nhiều người, không biết đọc các bảng hiệu giao thông, các bảng chỉ dẫn nên thường bị lạc. Nhờ cô Thủy động viên, chồng con ủng hộ nên giờ tôi đã học được nhiều. Cô hiền lắm, chỉ dạy tôi như người thân trong nhà” - chị Linh chia sẻ.
|
|
Để động viên học trò đến lớp, sau mỗi buổi dạy, các cô thường có quà tặng cho những ai học tốt |
Chị Đặng Thị Thảo - ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, là một cựu học sinh của cô Thủy - cho biết: “Trước đây, 3 mẹ con tôi cùng học lớp Một với cô. Chồng ruồng bỏ nên tôi phải đưa các con đi thuê nhà trọ sống. Tôi làm công nhân cho công ty thủy sản, không biết chữ nên bị nhiều người coi thường và chịu nhiều thiệt thòi. Nhờ có cô mà mấy mẹ con tôi biết chữ. Cô còn giúp đỡ nhiều trong lúc tôi gặp khó khăn. Có khi nhà không còn gạo ăn, cô xuất tiền túi ra mua cho ít gạo để mẹ con tôi cầm cự qua ngày” - chị Thảo kể lại.
Bà Trần Kim Nghệ - mẹ bé Nghĩa (học sinh của lớp học tình thương) - cho biết, con mình sức khỏe yếu nên việc học ở trường khó theo kịp. Biết đến lớp học tình thương của cô nên gửi con cho cô kèm thêm. “Giờ bé học tốt lắm, ngoan và viết chữ đẹp. Cô Thủy tận tình chỉ từng chữ, cuối buổi còn có quà khích lệ nên bé ham đi học” - bà Nghệ cảm kích.
Rời lớp học tình thương trong cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi nhận được tin nhắn của cô Thiết với nội dung: “Có một điều cô muốn nói như một sự biết ơn. Hy vọng nhiều ân nhân khi biết đến lớp học sẽ giúp đỡ cho các em nhiều hơn, bởi các em ở đây đã chịu đựng biết bao khó khăn trong cuộc sống. Mong các em sẽ được tiếp sức để cuộc đời bớt nhọc nhằn”.
Giờ ra chơi của lớp học tình thương nơi đây cũng lạ so với các lớp học khác. Các em không ra sân chơi đùa như những đứa trẻ khác. Một số em nhỏ lem luốc, đầu còn khét mùi nắng, chân còn dính sình bùn thì được cô rửa mặt, rửa tay chân. Những học sinh khác lớn hơn thì tụm quanh các thùng giấy chứa đồ cũ mà mọi người khắp nơi ủng hộ để ướm thử. Bộ nào vừa, các em xin cô mang về mặc.
Những bạn trai thường không quan tâm đến quần áo mà chia nhau mấy gói mì. Các em nhai mì sống ngon lành và tranh thủ xin cô thêm vài gói mang về cho ông bà, em nhỏ ở nhà.
Nhìn giỏ đồ cũ để ở góc lớp chưa kịp trao đến các em, cô Thủy tiếc nuối: “Hồi trước tôi cũng từng dạy cho các em nữ thêu thùa, may vá. Khoảng 1 năm trở lại đây, sức khỏe không đảm bảo nên không còn tận tay chỉ các em may vá. Nếu sắp tới sức khỏe ổn trở lại, tôi sẽ tổ chức lại lớp may. Biết may vá, nội trợ sẽ giúp ích rất nhiều khi các em lập gia đình và gìn giữ hạnh phúc sau này. Có vài em sau khi học biết chữ và biết may vá cơ bản đã đi làm cho công ty may, có cuộc sống ổn định”.
|
Theo phụ nữ TPHCM