Tháng 3 năm ngoái, Shen Cong (16 tuổi) đoàn tụ với người cha Shen Junnliang (43 tuổi) sau 15 năm bị bắt cóc, theo Sixth Tone.

Lên 1 tuổi, cậu bé đến từ Tăng Thành (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) bị kẻ xấu bán sang gia đình khác với giá 18.000 nhân dân tệ. Cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách của gia đình Shen Cong được công chúng Trung Quốc chú ý.

Nhiều người nhận ra cậu thiếu niên trên đường. Shen Cong thậm chí còn hỏi cha liệu có thể để mẹ đưa đến trường vì "mọi người đều nhận ra bố". Lo cho con, Shen Junnliang hiếm khi xuất hiện với con trai trên phố.

                                                                  Shen Cong đoàn tụ lại với bố mẹ đẻ và 2 em sau 15 năm bị nhóm buôn người bán sang nhà khác.

Nhiều người biết đến không phải là mối lo duy nhất. Quay về với cha mẹ đẻ cách nơi ở cũ 1.600 km, Shen Cong dù hạnh phúc nhưng gặp nhiều khó khăn. Chàng trai biết rất ít về gia đình mình và ngược lại, bố mẹ cậu cũng vậy.

Nợ nần vì dốc hết tiền tìm con


Trong năm ngoái, gia đình đã cùng nhau trải qua những ngày lễ quan trọng lần đầu tiên - Tết Nguyên đán, Trung thu và sinh nhật của Shen lẫn hai người em trai khác.

Niềm vui đoàn tụ là điều rõ ràng, song nhà Shen đang phải vật lộn với cuộc sống mới. Trong 15 năm, bố Shen từ bỏ công việc, để hai người con nhỏ cho vợ chăm sóc, đi khắp mọi nơi tìm kiếm cậu con trai cả với vali chứa đầy tờ rơi.

Giờ đây, số tiền nợ nần của gia đình lên tới 600.000 nhân dân tệ.

Ngày cảnh sát thông báo tìm thấy Shen Cong, người cha hạnh phúc, nhưng mau chóng một loạt lo lắng hiện lên.

“Làm sao để thành người cha tốt? Hầu hết cuộc hòa nhập giữa cha mẹ với con bị bắt cóc không diễn ra suôn sẻ”, “Liệu con có thất vọng với tình cảnh gia đình nghèo khó hiện tại”.

Trong căn nhà thuê ở Tế Nam, phòng khách gần như trống trơn, ngoại trừ chiếc tủ nhỏ nhặt ngoài đường và 4 chiếc ghế ọp ẹp mua cũ.

                                                                                Phòng ngủ nơi 3 anh em nhà Shen cùng sinh hoạt chung.


Sau hôm gặp lại, họ không đưa Shen Cong về nhà ngay mà gửi đến nhà người thân. Biết không thể giấu mãi, hai vợ chồng mới đưa con về nhà. Shen Cong bước vào, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên. “Đây là nhà của chúng ta sao?”, cậu hỏi bố.

Sụ im lặng khó xử bao trùm. Chỉ đến khi hai người em rủ Shen Cong chơi poker cùng, mọi thứ mới dịu đi.

Một người bạn biết chuyện 3 anh em phải chen chúc ngủ chung phòng đã tặng cho gia đình một chiếc giường tầng. Một người khác tặng máy lọc nước Mini vì Shen Cong không quen uống loại nước đóng chai sẵn.

Shen Junliang từng hứa với con trai sẽ mua một ngôi nhà tốt hơn khi cậu vào cấp 3. Nhưng sau một năm, phòng khách chỉ có thêm một chiếc TV và ghế sofa. Cả hai đều là quà từ một phóng viên gửi tặng.

Cuộc sống túng thiếu hiện tại


Khi hay tin con trai được tìm thấy, Shen Junliang thở phào vì cuối cùng chuỗi thời gian chờ đợi vô vọng cũng kết thúc. Người cha tin rằng anh sẽ kiếm được công việc tử tế lần nữa.

Nhưng sau đó, anh vẫn phải tiếp tục công việc lái xe thuê.

Buổi đêm một ngày cuối tháng 3 năm ngoái, Shen Junliang đứng ngoài một nhà hàng. Anh vẫn chưa nhận được cuốc xe nào. Hôm đó đến hạn nộp 3.600 tệ tiền thuê nhà, nhưng tài khoản của anh chỉ còn 900 tệ.

Shen Junliang đành phải xin chủ nhà gia hạn thêm. Kết thúc ca làm việc lúc 3h sáng, người đàn ông vẫn chưa kiếm được 150 tệ - mức tối thiểu hàng ngày mà anh tự đặt ra cho mình.

                                                                               Để nuôi 3 con trai, Shen Junliang đi làm lái xe thuê với mức lương ít ỏi.

Những lúc thế này, anh lại thấy căm hận nhóm buôn người đã xông vào nhà anh 16 năm trước, trói vợ anh và bắt Shen Cong đi. Ngày đó, Shen Junliang là trưởng bộ phận tại một nhà máy sản xuất đồ nhựa, quản lý hàng nghìn người với mức lương cao, tương lai rộng mở.

Còn giờ đây, để nhận được 90 tệ tiền hoa hồng, anh cũng phải nhẫn nhịn khi bị khách hàng mắng mỏ. Trước đó, anh từng đi làm bồi bàn với mức lương ít ỏi. Ngay đến cả chủ tiệm cũng nói thẳng chừng đó tiền không đủ giúp lo cho gia đình.

Gần đây, khi ngồi trong chiếc Mercedes-Benz của bạn mình, Shen Junliang nhận thấy mọi thứ đã thay đổi nhiều thế nào. Trước khi những kẻ buôn người hủy hoại cuộc đời anh, anh bỏ xa người bạn này về độ giàu có.

"Tôi đã kéo cả gia đình mình xuống bởi cuộc tìm kiếm tưởng như không bao giờ kết thúc", anh nói. Khi con trai bị bắt đi, hai vợ chồng đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong 4 năm đầu và phải bán nhà, vay mượn thêm.

Cha mẹ của Shen Junliang ở độ tuổi 70 vẫn làm việc bán thời gian để giúp con trai.

Căm ghét bọn buôn người


Về phía Shen Junliang, anh cũng biết rất ít về con trai cả. Người cha chỉ biết cậu bé thích chơi bóng rổ, game online và kết quả học tập thuộc dạng yếu.

Cậu con út học giỏi nhất được giao nhiệm vụ kèm tiếng Anh cho anh trai. Người thân cho 5.000 nhân dân tệ để Shen Cong có thể đến các lớp học thêm. Trước đó, hai người em không có điều kiện đi học thêm vì nhà túng thiếu.

                                                                         Những đứa trẻ bị bắt cóc thường gặp ít nhiều khó khăn khi trở về, hòa nhập lại với gia đình cũ.


Lo lắng chuyển sang việc liệu Shen Cong có vượt qua khi kỳ thi trung học đến gần. May mắn, một gia sư đã chủ động liên hệ dạy tiếng Anh và một người khác xin dạy Toán cho cậu bé miễn phí.

Ngay cả khi Shen Cong đỗ vào cấp 3, câu hỏi làm sao để đóng đủ học phí cho con vẫn bỏ ngỏ.

Tháng 9 năm ngoái, người cha mở kênh bán hàng livestream. Chỉ sau vài giờ, số tiền thu về đã lớn hơn tiền một tháng đi lái xe thuê. Một lần, anh tranh cãi với nhà cung cấp vì giá bán ra đắt hơn chỗ khác, thậm chí còn tự hoàn tiền lại cho khách.

Sau lần phát trực tiếp thứ 6, anh dừng bán vì chưa tìm được nguồn cung tốt. Gần đây, anh tìm thấy một ứng dụng tìm việc làm và bắt đầu cập nhật đơn xin việc với hy vọng sớm được nhận.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh càng căm ghét bọn buôn người bởi nếu không có chúng, cuộc đời anh hẳn đã khác.

Sự căm ghét đó thậm chí còn cho Shen Junliang cơ hội việc làm. Anh từng nhận được đề nghị mở dịch vụ cho các bậc cha mẹ có con bị bắt cóc nhờ kinh nghiệm tìm kiếm 15 năm của mình.

Sau một hồi suy nghĩ, Shen Junliang từ chối. Anh nói đó không phải là loại tiền mình muốn nhận.

Theo Zing