Nhà tôi chỉ có một cây ổi sẻ. Cây ổi mọc trên cái thẻo đất nhỏ xíu giữa kẹt tường nhà tôi và nhà chú Ba. Hai bức tường cao hai bên choán hết nắng sáng nắng chiều, còn may mắn sót chút nắng trưa, nhưng cũng chỉ phập phù chừng 30 phút.
Nhìn cây ổi sẻ mới thấy nghị lực tồn tại của nó là vô bờ bến: thân cây tựa vào tường để vươn lên cao. Chắc cây vội vã đi tìm ánh sáng, không có thì giờ uống ăn cho tử tế nên đoạn thân dưới “ốm nhom”. Đợi lúc lên ngang mái nhà, thò được “đầu” ra nơi quang quẻ, cây mới hớn hở bung ngang cành lá xùm xòa, ra hoa đậu trái sai.
Thời ấy, ngoài hai bữa cơm chính, nhà tôi đâu có món gì để ăn chơi, vậy nên cây ổi hóa “thiên đường tuổi thơ” của mấy anh em. Chúng tôi thay phiên nhau trèo, nghiêng ngó, tranh thủ dùng móng tay bấm những quả còn xanh xem có sắp chín chưa? Trái nào móng tay bấm lút là ăn được, phải tranh thủ hái, nếu không sẽ về tay đứa khác mất. Chúng tôi thèm ăn nên già cũng bấm, non cũng bấm. Hậu quả, khi thực sự già chín, trái nào cũng chi chít dấu móng tay.
Những dấu móng tay làm da trái ổi sần sùi, vệt móng ngả xám đen, bị gọi là… “ổi ghẻ”!
Anh Ba, chị Tư, chị Năm, cả tôi và bé Út - cứ rảnh lại đi “săn” ổi. Mấy anh chị lớn giỏi trèo, tôi với Út không leo được cũng chẳng chịu thua. Rủ nhau làm mỗi đứa một cây khều móc, chỉ cần đứng dưới nhóng cổ lên, thấy trái nào da xanh nhạt, căng bóng là khều, giật.
Vụ khều bằng móc lợi hại hơn trèo, nhất là khi “khai thác” ổi lủng lẳng nơi các đầu cành. Có lần anh Ba ham theo ổi chín nên to gan đu, trèo lên tàn ổi phía mái nhà chú Ba. Hụt chân, anh rớt xuống mái khiến ngói bể rôm rốp. Thím Ba nghe, la trời la đất, dọa bắt đền. Ba tôi phải “xoa dịu” bằng cách quất anh Ba mấy roi, sau đó ông vác rựa đẵn luôn cành ổi to xòe qua mái nhà chú thím.
Nhìn cành ổi bụ bẫm, chi chít trái già trái non bị “xử chết” oan uổng, lòng tôi tê tái, oán giận anh Ba hết biết. Có điều, sự oán giận không tồn tại lâu, còn phải tranh thủ giã cối muối ớt mà thưởng thức số trái già non được “tận thu” trên cành ổi xấu số.
|
Ổi sẻ chấm muối ớt là hết sảy |
Chúng tôi ăn tất, không thứ nào bỏ: ổi non ruột còn trắng sẽ bỏ vỏ ăn ruột. Ổi già ngược lại: cạp vỏ bỏ ruột. Chua chát gì kèm thêm vị muối ớt mằn mặn cay cay cũng đều… ngon. Ôi, cái tuổi thơ một thời cơ cực; vậy nhưng giờ ngồi nhớ lại tự dưng… nước miếng vẫn ứa.
Cây ổi sẻ trái tuy nhỏ nhưng ưu điểm lớn là hột cũng rất nhỏ, ăn ngon, lại ra trái quanh năm. Có vậy mới “đáp ứng” nổi nhu cầu của năm cái miệng háu ăn. Mà đâu phải chỉ chuyện ăn, chúng tôi còn niềm vui được tìm kiếm, leo trèo, được chí chóe giành nhau khi hai đứa tình cờ phát hiện ra trái ổi ngon cùng lúc.
Ngày nào không ghé thăm cây ổi, đêm về sẽ ngủ không ngon; cứ thấy như có gì… thiêu thiếu. Ngày ba sửa lại nhà, buộc chặt bỏ cây ổi, bé Út và tôi òa khóc. Ba tôi phải dỗ: “Nín, ngoan, rồi ba trồng lại cho cây ổi khác…”.
Chị em tôi nghe, yên tâm quẹt nước mắt. Ba là người biết giữ lời hứa. Có điều chúng không biết lần đấy ba thất hứa - lần thất hứa đầu tiên trong đời ba và cũng là lần cuối cùng…
Theo phụ nữ TPHCM