Cuối tháng ba, vợ chồng Shelby Law đón thành viên mới tại Bệnh viện Northside Cherokee ở tiểu bang Georgia. Khi đó, chồng của Law vẫn đến khu vực NICU, nơi chăm sóc và điều trị trẻ sinh non, bị bệnh, để thăm con bình thường.
Nhưng ba ngày sau, bệnh biện thông báo hạn chế người thăm nuôi, đặc biệt là khu vực có trẻ sơ sinh, do lo ngại Covid-19 có thể lây lan. "Chúng tôi được NICU thông báo sẽ không còn được phép đến gặp con trai Rory", cô Law nói với CNN. "Mẹ con tôi buộc phải nói lời tạm biệt chồng".
Một người dùng thăm con qua ứng dụng NICU2Home. Ảnh: CNN.
Đôi vợ chồng trẻ liên lạc với nhau và theo dõi con từ xa qua FaceTime hai lần một ngày, thường là lúc Rory ăn và tắm. "Chúng tôi thấy nhẹ nhõm khi có FaceTime để kết nối với nhau và với con trai. Tuy vậy, phải nói là trong này không được thoải mái khi vắng người thân. Tôi thừa nhận đã khóc nhiều ngày", Law chia sẻ.
Những ngày qua, Covid-19 bùng phát trên toàn nước Mỹ khiến lượng người nhập viện tăng vọt. Nhiều bệnh viện buộc phải cấm hoặc hạn chế các chuyến thăm của người nhà bệnh nhân, nhất là khu vực có trẻ sơ sinh. Những ứng dụng gọi video như FaceTime trở thành công cụ cho các ông bố, bà mẹ gắn kết với em bé từ xa.
Julianna Grogan, một sản phụ sống tại New York, được chẩn đoán nhiễm nCoV trước khi sinh con gái vào ngày 2/4. Cô cho biết đã tuyệt vọng khi mắc bệnh, nhưng sau đó đã bình tâm khi được chồng và gia đình cổ vũ tinh thần từ xa qua FaceTime. "Mọi người theo dõi tôi từng giây phút. May mắn vì tôi vẫn có thể nhận được sự động viên từ gia đình, thông qua chiếc điện thoại gắn trên giường", Grogan nói.
Grogan hiện được chăm sóc đặc biệt trong phòng cách ly dành cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Bệnh viện Metropolitan. Các y tá vẫn thường xuyên gọi video để cô nhìn thấy con mình hàng giờ.
Một số bệnh viện còn tự phát triển các ứng dụng riêng cho gia đình theo dõi con cái của mình. Tại Bệnh viện Phụ nữ Prentice Women, việc đi vào khu vực NICU chỉ giới hạn một người. Do đó, bệnh viện này cung cấp ứng dụng NICU2Home cho phép quan sát và kiểm tra từ xa đối với trẻ sơ sinh. Ngoài hình ảnh, phần mềm còn hiển thị thông tin như nhịp thở, cân nặng, nhu động ruột, loại thuốc đang sử dụng...
"Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng và bệnh viện hạn chế người nhà đến thăm, chúng tôi nhận ra cần phải có một hệ thống kết nối từ xa cần thiết cho em bé với cha mẹ của chúng", Tiến sĩ Craig Garfield, bác sĩ nhi khoa của Bệnh viện Lurie Children (Chicago), thành viên phát triển NICU2Home, cho biết.
Theo Garfield, ứng dụng NICU2Home được tạo từ vài năm trước nhưng sử dụng hạn chế, chủ yếu dành cho người nhà của những em bé ốm yếu nhất NICU. Tuy vậy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nó được sử dụng rộng rãi hơn.
Một số bệnh viện khác cũng trang bị hệ thống trò chuyện qua video. Chương trình webcam FamilyLink của Đại học California tại Davis ra mắt năm 2014, là giải pháp để phụ huynh có thể nhận trợ giúp từ xa của đội ngũ y bác sĩ sau khi xuất viện, hoặc đã xuất viện nhưng con mình vẫn phải ở lại điều trị tại NICU.
Dù có một số hạn chế khi tương tác từ xa, Tiến sĩ Kristin Hoffman của UC Davis, cho biết nghiên cứu cho thấy các phụ huynh vẫn gắn kết với em bé một cách hiệu quả. Nhiều sản phụ cảm thấy bình thường khi liên lạc với con từ xa, song cũng có một số thừa nhận lo lắng. "Các bác sĩ hỏi tôi muốn sử dụng FaceTime để gặp con gái không. Tôi đồng ý, và cảm giác sau đó thực sự tuyệt vời", Mairead McKenna, 28 tuổi, vừa sinh con gái Harper lúc 26 tuần tuổi, cho biết. "Nhưng tôi cũng thường xuyên nhớ con khi không thấy bé thường xuyên".
McKenna được bệnh viện Đại học Phụ nữ và Trẻ sơ sinh Coombe ở Dublin (Ireland) khuyến cáo tạm thời rời khỏi NICU. "Tôi lo rằng những ngày tới, tuần tới, các bệnh viện sẽ không còn cho phép cha mẹ đến thăm con mình vì đại dịch, trước khi mọi thứ tốt lên", McKenna nói. "Tuy nhiên, tôi cũng dự đoán việc thăm con qua video sẽ là hình thức phổ biến trong tương lai".
Theo vnexpress