|
Ngày càng nhiều người già sử dụng điện thoại trong thời đại 4.0 - Ảnh minh họa: Internet |
Má tôi tập tành xài mạng xã hội cũng vài năm nay. Mỗi lần nhà có sự kiện gì thấy má cầm điện thoại chụp hình, chị Hai tôi thường nửa đùa nửa thật: “Nghiêm cấm mọi hình thức đăng Facebook nha!”.
“Chị Ba” (cả nhà hay gọi má là “chị Ba” những lúc trêu đùa) lỏn lẻn cười: “Hổng đăng vụ này biết đăng vụ gì”. Chị Hai thấy tồi tội nên nhượng bộ: “Nhưng phải xong xuôi hết, ai về nhà nấy, má mới được đăng”. “Chị Ba” gật đầu, xuôi xị: “Vui thôi mà, chừng nào đăng cũng được, tuổi này rồi có gì đâu nữa mà gấp! Mà có gấp thì cũng gấp với ai đâu!”.
Câu nói của má nghe như một tiếng than. Chị Hai lúng túng, khoát tay đầu hàng: “Thôi, má đăng gì thì đăng”. “Chị Ba” cười ý nhị…
***
Hầu hết thời gian ở nhà của “chị Ba” đều dành chăm sóc “anh Ba” chồng chị (ba của chúng tôi) và cha chồng “chị ấy” (ông nội chúng tôi). Nhưng những lần ra ngoài ăn hay đi đâu chơi, bao giờ “chị” cũng diện bộ cánh đẹp nhất, mới nhất.
“Chị” thích chụp hình dù không biết tạo dáng. Đám con cháu nói đùa: “Cực hình chứ chụp hình gì. Nắng nôi, mệt mỏi muốn chết”. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn ráng chụp cho “chị”. Tối về tới khách sạn, thấy “chị” khều rồi to nhỏ với mấy đứa cháu là biết ngay “chị” đang nhờ lũ nhỏ lựa hình.
Dạo sau này ba yếu, má không dám đi đâu lâu, kể cả chạy ra chợ. Không còn nhiều dịp để đánh quần đánh áo, chụp hình, hễ rảnh, má xoay qua chụp… hoa cỏ trong vườn. Mấy tấm đầu mất nét, mờ câm. Status thì chữ nghĩa tứ tung vì bàn tay bấm chậm hơn cái điện thoại. Mắt má cũng yếu nên lũ con đôi khi vô like khích lệ phải vừa đọc vừa đoán xem ý má nói gì…
Có hôm mở mắt ra thì chúng tôi… hết hồn khi thấy một chùm ảnh hoa kèm theo lời chúc: “Chúc cả nhà ngày cuối tuần tràn đầy năng lượng”. Có hôm còn bất ngờ hơn khi thấy một trái tim to kèm theo “Chúc các con của má một ngày mới bình an và hạnh phúc”. Cô Út vẫn là người hiểu má nhất: “Đây hẳn là thú vui mới của má”.
***
Nhiều người bắt đầu bước vào tuổi xế chiều bằng rất nhiều hoạt động sôi nổi, cứ như bù lại cho một thời công chức, một đoạn văn phòng, một quãng dài “chồng bìu con ríu”.
Không đâu xa, trong công viên nơi tôi đi bộ mỗi ngày, không hề thấy hình ảnh các quý bà đùm đùm túm túm. Các lớp yoga, lớp khiêu vũ toàn những quý bà xinh đẹp tập luyện thành nhóm. Có người tập riêng với người hướng dẫn, thảnh thơi, không chút áp lực.
Công viên cũng có những lớp thể dục nhịp điệu do các nhóm tự ráp lại với nhau để tập vào mỗi sáng. Hội này hẹn hò cuối tuần này mặc áo dài chụp hình, hội kia hẹn cùng ăn sáng, uống cà phê. Nhóm nhỏ hơn thì hẹn đến nhà ai đó tập đàn, tập hát…
Quán cà phê yêu thích dưới chung cư của tôi là một nơi được nhiều bác hưu trí chọn. Đừng tưởng chỉ có bàn cờ tướng! Mỗi cuối tuần, các bác kê một dãy bàn dài, người mang đàn, người mang micro để hát với nhau. Người hái hoa trang trí, người nướng bánh mời mọi người…
|
|
Rất nhiều người già đang chọn cho mình một tuổi xế chiều rực rỡ (ảnh minh họa) |
***
Tất nhiên không phải tuổi chớm già nào cũng sôi nổi năng động, bởi có người đeo đuổi một niềm vui lặng lẽ. Mẹ của bạn tôi dành phần đời còn lại trong chùa. Anh em bạn bè ngăn cản, bà chọn ra đi trong lặng lẽ và chỉ cho đứa con trai ủng hộ biết bà ở đâu. “Mẹ tôi luôn có những ngày rực rỡ nhất. Và bây giờ, bà cũng đang chọn những ngày rực rỡ khác, một thứ ánh sáng khác mà chỉ riêng bà mới thấy” - bạn tôi nói.
Có những người bạn vong niên chia sẻ, họ từng có những ngày chỉ chờ đến chiều để được vô lớp aerobic, nhảy liền vài giờ hoặc nhào xuống hồ bơi bơi liền mấy vòng hồ. Chỉ những thời điểm đó, họ mới thấy một chút niềm vui. Cũng nhóm vong niên ấy, có người chỉ rạng rỡ khi về với thiên nhiên, khi được quẩy ba lô trên vai, đi đâu cũng được vì cứ ở nhà là đôi chân “biểu tình đau nhức”.
Tất nhiên có những niềm vui có điều kiện dành cho những người có điều kiện. Người không có điều kiện thì phải tập vui với những điều giản dị bình thường. Tìm thấy niềm vui từ những điều bình thường cũng là một dạng “năng lực” giúp tô màu cho cuộc sống bình thường thêm phần rạng rỡ.
Theo phụ nữ TPHCM