Người đàn ông này là đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers với Robert Miller vào năm 1960. Dù kiếm được hàng tỷ USD, Feeney lại sống cuộc đời như tu sĩ. Ông đưa ra ý tưởng "cho đi khi còn sống" vì quan niệm nếu không thể mang theo tiền khi chết thì con người nên đóng góp cho cộng đồng lúc còn có thể nắm quyền kiểm soát và chứng kiến thành quả.
Từ năm 1984 đến nay, thông qua quỹ từ thiện của mình mang tên Atlantic Philanthropies, Feeney đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức, trường đại học và quỹ nhân đạo khắp thế giới. Năm 2012, Feeney tiết lộ ông để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng. Điều đó có nghĩa số tiền cựu tỷ phú cho đi gấp 4.000 lần phần ông giữ lại.
Đặc biệt, trong khi nhiều nhà tài phiệt có một đội ngũ quảng bá mỗi lần làm từ thiện, Feeney lại quyên góp ẩn danh. Cuối thập niên 1990, những hoạt động vì cộng đồng của ông mới được hé lộ sau thương vụ bán cổ phần Duty Free Shoppers cho tập đoàn LVMH của Pháp. Tạp chí Forbes gọi Feeney là "James Bond từ thiện".
Feeney dùng tiền cho các mục tiêu từ thiện khác nhau. Ông dành 3,7 tỷ USD cho giáo dục, 870 triệu USD cho nhân quyền và hoạt động thay đổi xã hội, 700 triệu USD cho chăm sóc sức khỏe, trong đó có 270 triệu USD để cải thiện nền y tế Việt Nam.
Một trong những món quà cuối cùng là 350 triệu USD hỗ trợ Đại học Cornell xây dựng trung tâm công nghệ trên đảo Roosevelt ở New York. Thay vì chờ đợi, ông tìm kiếm những vấn đề cần sự trợ giúp và sẵn sàng đầu tư khi giá trị, tiềm năng của dự án lớn hơn rủi ro.
Chuyên bán hàng xa xỉ cho khách du lịch, Feeney lại sống cùng vợ trong một căn hộ giản dị, trông như một phòng ký túc xá ở San Francisco. Trên tường, cựu tỷ phú treo vài tấm hình chụp cùng gia đình, bạn bè. Ở cái bàn nhỏ bên dưới chỗ ảnh, có một kỷ niệm chương nhỏ ghi: "Chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD".
Feeney không có ôtô siêu sang hay vật dụng xa xỉ nào, cũng chưa bao giờ mặc đồ hiệu. Ông đeo kính cũ, đi máy bay hạng phổ thông và uống rượu loại 2 tại các nhà hàng.
Sống khiêm nhường, Feeney vẫn có ảnh hưởng lớn đến những người xung quanh. Khi biết ông đứng đằng sau những khoản từ thiện hào phóng, nhiều doanh nhân khác cũng tham gia hành động vì cộng đồng. Tấm lòng của Feeney là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy Bill Gates và Warren Buffett thành lập Giving Pledge, chiến dịch kêu gọi giới nhà giàu cho đi ít nhất 50% tài sản trước khi qua đời.
"Chuck là hình mẫu cho tất cả chúng ta. Ông ấy là người hùng", Warren Buffett nói. Bill Gates thì nhận định: "Chuck đã tạo ra con đường để các nhà từ thiện khác đi theo".
Buổi lễ công bố "dừng hoạt động quỹ Atlantic Philanthropies" sau 40 năm hoạt động, được tổ chức qua ứng dụng Zoom với ban quản lý quỹ. Bill Gates và cựu Thống đốc Jerry Brown gửi video chúc mừng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng gửi thư cảm ơn Feeney vì những gì ông đã làm.
"Tôi hạnh phúc vì cho đi toàn bộ tài sản trước khi hết thời gian của cuộc đời", Feeney nói với Forbes. "Tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người cùng tham gia hành trình này. Và với những ai còn thắc mắc về ý tưởng cho đi khi còn sống, hãy thử đi và bạn sẽ thích nó".
Theo vnexpress