Bà Lê Thị Liên về hưu từ hơn 20 năm, ông nhà cũng đã mất 14 năm; con gái và trai đi du học, giờ thành đạt, sống riêng; còn bà vẫn gắn bó với ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể Liên Cơ (Đông Anh, Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Bà Lê Thị Liên (giữa) trò chuyện vui vẻ cùng các bạn già bên ấm trà

Hàng xóm vẫn đùa, nhà bà Liên là “điểm văn hóa cộng đồng” bởi lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười, người ra người vào tấp nập. Hễ bà đi vắng thì thôi, chứ nhà có bóng bà, ấm chén chẳng lúc nào khô. Khách đến nhà bà đủ cả người trẻ, người già; hàng xóm, bạn bè gần xa… Vì thế lúc nào bà Liên cũng sẵn vài ba loại nước, nào trà mạn cho mấy người bạn thân nghiện uống trà Thái Nguyên, nào trà thảo mộc, nước lá cho người bạn già hay sợ mất ngủ.

Với làn da mặt còn căng mịn khỏe khoắn, mái tóc vẫn hơn nửa là sợi đen, giọng nói thanh thoát, lúc nào cũng tếu táo cười đùa khiến ai mới gặp cũng nghĩ bà Liên mới chỉ ngoài 60 chứ chẳng ai biết tuổi thật của bà đã gần 80. Nhìn bà bây giờ, ít ai biết đã có thời kỳ bà bị tiểu đường độ III, xương khớp thoái hóa, thiểu năng tuần hoàn não, lúc nào cũng mệt mỏi, đau đầu… Bà thú thật, khi sức khỏe con người đi xuống, rất dễ dẫn đến tâm lý chán chường, chẳng còn thiết tha gì cuộc sống xung quanh. “Ý thức rất rõ điều này, không muốn mình trở thành gánh nặng của con cháu nên ngay khi nghỉ hưu, tôi quyết tâm dành thời gian để chăm sóc bản thân, luyện tập thể dục tăng cường sức khỏe. Tôi tự nhủ, cả thanh xuân đã phấn đấu cho sự nghiệp, dốc lòng dốc sức vì gia đình nên khi về hưu là phải sống cho mình, sống thật khỏe mạnh, vui vẻ” - bà Liên chia sẻ.

Có chuyên môn sư phạm nên mọi sinh hoạt, kế hoạch trong cuộc sống của bà Liên đều có “giáo án” rõ ràng. Năm nào bà cũng dành thời gian du lịch đôi ba chuyến, khi trong nước, lúc nước ngoài cùng con cháu, bạn bè, các chị em. Mỗi khi rảnh rỗi, bà lại ôm chồng album ra xem, đọc kỷ niệm qua từng bức ảnh. Để có được sức khỏe dẻo dai thế này, từ ngày về hưu, dù có bận đến mấy thì mỗi sáng thức giấc bà Liên cũng dành ra 1 tiếng để tập thể dục, tự mát xa. Chiều tối bà đi bộ, thực hành các động tác thư giãn xương khớp, tuần hoàn lưu thông máu…

Con gái, con trai bà Liên đều thành đạt, nhà cửa khang trang. Con nào cũng muốn được đón mẹ về ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng bà nhất định từ chối. Bà Liên bảo, “mẹ có cuộc sống, sinh hoạt riêng của mẹ; các con có công việc và các mối quan hệ của các con. Khi mẹ còn khỏe mạnh, mẹ sẽ không phiền đến các con cháu. Trong ngôi nhà của mình, mẹ được làm điều mẹ thích, được sống theo ý mình, được gặp gỡ bạn bè hằng ngày… đó mới thực sự là nơi mẹ thuộc về”.

Căn nhà tập thể cũ bà Liên đang ở tuy nhỏ nhưng gắn bó với vợ chồng bà và các con bởi bao vui buồn, sướng khổ nên bà không muốn xa nó. Phần khác, theo bà: “Người già chỉ hạnh phúc khi mình tự chủ được cuộc sống. “Trẻ cậy cha, già cậy con” là lẽ tự nhiên của cuộc sống nhưng trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép, được sống theo ý mình là điều tuyệt vời nhất”. 

Bà ở một mình nhưng nhờ công nghệ, ngày nào mẹ con, bà cháu bà Liên cũng gọi điện thoại video cho nhau vài lần. Cuối tuần, lúc nào nhớ cháu, chỉ 40 phút đi xe buýt là bà Liên đã có mặt thăm cháu nội, cháu ngoại. Bà bận không đi được thì các con cháu lại về với bà. 

Nhiều người bảo, tuổi già ở một mình buồn, cô đơn, lủi thủi, nhưng bà Liên chẳng lủi thủi. Bà có nhóm bạn thân, đều tuổi 70, 80 thường xuyên “tập kết” ở nhà bà. Bà Liên bận việc thì các bà bạn đi chợ, nấu cơm cùng ăn trưa với nhau. Thi thoảng các bà còn ở lại, xem phim bộ, tám chuyện đến gần sáng. 

Bà Liên rất trẻ so với tuổi 70 (ảnh nhân vật cung cấp)
Bà Liên rất trẻ so với tuổi 70 (ảnh nhân vật cung cấp)

Bà Liên luôn có tư tưởng sau này ốm đau, không còn tự phục vụ được bản thân thì vào trại dưỡng lão chứ không để các con phải bận lòng lo lắng. (Là bà nói thế, chứ tôi biết các con bà hiếu lễ lắm, chắc gì đã chịu).

“Mình ốm đau nằm đó, làm sao các con nghỉ việc dài ngày chăm mình được? Chúng có thương mẹ, thuê người giúp việc chăm nom thì chẳng thà mình vào trại dưỡng lão, vừa có người chăm sóc, lại vừa có bạn bè đồng cảnh, đồng niên chả hơn à. Tôi nghĩ, xu hướng của xã hội hiện đại, vào trại dưỡng lão là một lối sống văn minh” - bà Liên bộc bạch. 

Theo phụ nữ TPHCM