1. Người uống rượu bia nên uống nhiều nước lọc
Bản thân rượu là một chất lợi tiểu, khiến cơ thể đi tiểu nhiều hơn. Do đó bạn sẽ mất nước khi đi tiểu nhiều, dễ dẫn tới các triệu chứng như khô miệng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Nước lọc giúp bù lại lượng nước đã mất, đồng thời pha loãng và làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể.
2. Nước gừng giúp giải rượu
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, ôn trung, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc. Những người nôn nao do say rượu (buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt…) nên sử dụng nước gừng hoặc trà gừng.
- Nước gừng tươi: Dùng vài lát gừng tươi đã thái mỏng vào nước ấm để uống. Có thể cho thêm mật ong vào nước gừng để thúc đẩy quá trình giải rượu.
- Trà gừng: Cắt vài lát gừng tươi bỏ vào cốc nước ấm ngâm với lá trà trong khoảng vài phút rồi khuấy đều và uống.
3. Nước sắn dây
Sắn dây hay còn được gọi là cát căn, là vị thuốc có nhiều tác dụng trong đông y. Sách Lý Sĩ Tài đời Minh có ghi: Cát căn là vị thuốc vào kinh dương minh, chủ trị nhức đầu và sinh cơ, chỉ khát, tiêu độc, giải rượu. Người say rượu có thể uống bột sắn dây để giải rượu nhanh chóng, làm giảm các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, trừ phiền khát.
Cách dùng: Cho 1 - 2 thìa bột sắn dây, 1 thìa đường và ½ quả chanh tươi. Trộn bột sắn và đường, sau đó thêm nước đun sôi để nguội. Vắt thêm chanh vào khuấy đều và uống.
4. Nước dừa tươi
Khi say rượu, người bệnh dễ bị buồn nôn, nôn, không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn làm mất đi một lượng lớn các nguyên tố kali, natri, canxi… Bạn có thể bổ sung các chất điện giải cho cơ thể bằng cách sử dụng nước dừa tươi.
Theo đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, tăng cường khí lực cho cơ thể và tiêu khát hiệu quả.
Tuy nhiên, nước dừa chứa cả hai loại chất béo no và chưa no nên hạn chế dùng cho người kiêng chất béo như bệnh tim mạch, mỡ máu cao, xơ mỡ động mạch, đái tháo đường…
5. Nước mía
Khi uống rượu, cơ thể sản sinh ra nhiều acid lactic hơn, điều đó hạn chế việc sản xuất lượng đường trong máu. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, đổ mồ hôi và đói. Điều này xảy ra thường xuyên hơn với những người có rối loạn sử dụng rượu.
Vì vậy, sử dụng nước mía giúp cung cấp lượng đường, nước cho cơ thể do uống nhiều rượu bia, hạn chế nguy cơ hạ đường huyết khi say. Ngoài ra, mía có tính lạnh, vị ngọt mát, tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, dễ hấp thụ và giải rượu hiệu quả. Người say rượu nên dùng nước ép mía tươi.
6. Nước đậu đen
Đậu đen là thực phẩm được ưa dùng trong nhân dân vì giá trị dinh dưỡng cao. Đậu đen có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng bổ huyết, bổ can thận, giải phong nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bù tân dịch (điện giải).
Người say rượu nên dùng đậu đen để giải độc gan, đẩy các độc tố ra ngoài và bù điện giải, giải rượu tốt hơn. Có thể sử dụng chè đậu đen, nước đậu đen hoặc chế biến đậu đen cùng các nguyên liệu khác để sử dụng…
7. Nước cháo trắng
Cháo trắng hay nước cháo loãng đều là những thức uống giải rượu hiệu quả, đơn giản. Cháo trắng nấu loãng bổ sung nước cho cơ thể, giảm háo khát do rượu, bổ sung tinh bột để cơ thể nhanh chóng lấy lại sức. Bên cạnh đó, cháo cũng giúp bạn ấm bụng, giảm kích thích dạ dày và cảm giác nôn nao, cồn cào do uống rượu.
Các loại thức uống trên có thể góp phần giải rượu nhưng không thể giảm hoàn toàn các triệu chứng mệt mỏi, mất nước, đau đầu sau uống rượu. Tốt nhất, bạn nên biết giới hạn khi sử dụng rượu bia, không uống nhiều và thường xuyên để tránh tổn hại đến sức khỏe.
8. Một số lưu ý khi sử dụng rượu bia
Tốt nhất là không sử dụng rượu bia, tuy nhiên trong trường hợp không thể từ chối cần biết kiểm soát lượng uống vào và nhớ những lưu ý sau đây:
-Không uống rượu bia lúc đói dễ gây kích ứng dạ dày. Dạ dày rỗng cũng khiến ethanol trong rượu dễ dàng hấp thu vào cơ thể và gây say nhanh chóng.
- Trước khi uống rượu bia nên ăn thức ăn. Thức ăn sẽ giúp giảm thời gian ngấm bia rượu vào cơ thể, giảm nguy cơ hạ đường huyết do say.
- Uống nhiều nước lọc để giải rượu. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có gas vì chúng tạo lượng khí CO2 trong dạ dày, khiến rượu hấp thụ nhanh hơn.
- Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trôi nổi trên thị trường… để tránh ngộ độc rượu công nghiệp (methanol).
- Khi sử dụng rượu bia thì không lái xe.
- Nếu gặp phải các biểu hiện như mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp, thậm chí hôn mê, nôn ọe… có thể là triệu chứng ngộ độc rượu, nên đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Theo suckhoedoisong.vn