Vì sao ăn hạt lanh giúp giảm đau bụng kinh
Giàu axit béo omega-3:
Hạt lanh giàu omega-3, có tác dụng chống viêm rất cần cho cơ thể. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y khoa Châu Âu cho biết, dầu hạt lanh có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch và kháng khuẩn giúp phụ nữ giảm cảm giác khó chịu do kỳ kinh mang lại.
Có chứa lignans:
Theo Tạp chí Nội tiết học và Chuyển hóa Lâm sàng, nồng độ lignan trong nước tiểu trong chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp cân bằng nội tiết tố. Ăn hạt lanh cung cấp một lượng lignan đáng kể cho cơ thể, các phytoestrogen này là hợp chất giống estrogen có nguồn gốc từ thực vật, có thể giúp cân bằng nồng độ estrogen, làm giảm các triệu chứng liên quan đến sự dao động nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
Chứa chất xơ:
Chất xơ cao trong hạt lanh hỗ trợ tiêu hóa và giúp điều chỉnh mức insulin. Điều này cũng góp phần cân bằng nội tiết tố và giảm các triệu chứng kinh nguyệt. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Healthcare nêu rằng, nhờ chứa hàm lượng chất xơ hòa tan, hạt lanh rất có lợi cho hệ vi khuẩn đường ruột.
Điều chỉnh hormone:
Ăn nhiều hạt lanh có thể khiến giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn. Điều này giúp trứng rụng đều đặn hơn và làm tăng mức progesterone trong cơ thể, làm giảm các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt.
Cách thêm hạt lanh vào thực đơn mỗi ngày giúp giảm đau bụng kinh
- Hạt lanh xay: Thêm 15 - 30gram hạt lanh xay vào sinh tố, sữa chua hoặc yến mạch hàng ngày giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn và tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng.
- Dầu hạt lanh: Sử dụng dầu hạt lanh trong nước sốt trộn salad hoặc sinh tố (khoảng 15 - 30ml mỗi ngày), có thể cung cấp axit béo omega-3 giúp giảm viêm.
- Đồ nướng: Bạn có thể thêm hạt lanh xay vào các món nướng như bánh mì hoặc bánh nướng xốp vừa giúp món ăn giàu hương vị lại cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho cơ thể.
- Trà hạt lanh: Ngâm hạt lanh xay trong nước nóng để tạo thành một loại trà, thức uống này rất có lợi cho cơ thể nhờ công dụng làm dịu chứng co thắt cơ.
Theo laodong