Đây là kết quả sau 3 tháng T.Ư Đoàn triển khai dự án hỗ trợ thanh niên XKLĐ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hỗ trợ thanh niên lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - ảnh 1

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội kết nối với các điểm cầu tại 3 địa phương

T.HẰNG

Tại hội nghị đánh giá kết quả hỗ trợ thanh niên XKLĐ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do T.Ư Đoàn phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức sáng nay 2.12, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, cho biết hỗ trợ thanh niên XKLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được T.Ư Đoàn triển khai tại 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị là một trong những hợp phần của dự án “Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam được Chính phủ Nhật bản tài trợ thông qua UNFPA tại Việt Nam.

Năm 2021, do đại dịch Covid-19, nhiều lao động trẻ tại 3 tỉnh trên đi làm việc ở nước ngoài đột ngột bị mất việc làm, phải về nước. Nhiều thanh niên đang phải tạm hoãn XKLĐ và họ phải đối mặt với những khó khăn như: ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần ảnh hưởng đến chất lượng lao động.

Bên cạnh đó, người lao động còn thiếu thông tin giáo dục, thiếu kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS, SKTD) hỗ trợ chuyển đổi việc làm…

Sau 3 tháng triển khai dự án tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, đã có hơn 300 thanh niên được chuyển đổi việc làm, hơn 2.000 thanh niên được tiếp cận với các hoạt động, tập huấn cung cấp kiến thức SKSS, SKTD, kỹ năng sống. Đặc biệt, đã có 34 sáng kiến do thanh niên làm chủ tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ để khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm, bước đầu phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ thanh niên lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - ảnh 2

Chị Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn (đứng thứ 3 phải qua trái), chụp ảnh với các khách mời tham gia hội nghị

T.HẰNG

Bày tỏ lời cảm ơn đến Chính phủ và nhân dân Nhật bản, UNFPA đã ủng hộ và đồng hành với tổ chức Đoàn trong triển khai dự án, chị Duy Trang chia sẻ: “Dự án hỗ trợ thanh niên chuyển đổi việc làm trong thời gian trở về nước hoặc tạm hoãn XKLĐ là việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa, giúp thanh niên giải quyết tạm thời khó khăn, cải thiện góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới. Các cấp bộ đoàn và thanh niên của 3 địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về SKSS, SKTD và bạo lực giới, hỗ trợ hướng dẫn chuyển giao nghề cho các lao động thanh niên tại địa phương, đồng thời lan tỏa và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tại cộng đồng”.

Đánh giá cao nỗ lực của T.Ư Đoàn trong triển khai dự án trong đại dịch Covid-19, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bày tỏ vui mừng khi thấy những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNFPA đã giúp thanh niên XKLĐ tại 3 tỉnh trang bị được những kiến thức cần thiết, giúp các bạn trẻ tái hòa nhập thị trường lao động tại địa phương.

"Tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước. UNFPA cam kết trong việc hợp tác chặt chẽ với Đoàn thanh niên để thanh niên Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước”, bà Naomi Kitahara nói.

Theo Thanh Niên