Ảnh minh họa

"Sắp tới chúng ta sẽ ra sao?" là câu hỏi tôi bắt đầu thấy dày đặc trong những ngày gần đây, thay cho những bài Facebook khoe chậu hành, giá đỗ nhà làm, những món ăn ngon hay những câu tự trào sống chậm ngày giãn cách.

Sự lạc quan mới hôm nào còn thể hiện qua những bài đăng rộn ràng của mọi người thì nay, sự lo lắng cho cuộc sống những ngày sau dịch đã bắt đầu len lỏi.

Cô em họ tôi than quán trà sữa tại nhà của em đã đóng cửa gần hai tháng nay. Đang đi làm công sở lương tháng hơn chục triệu đồng, không quá nhiều nhưng được cái căn bản, váy áo xênh xang, giờ giấc ổn định, em quyết định nghỉ ngang với tâm niệm "phi thương bất phú", về mở quán trà sữa tại nhà khi thấy thị trường món này chưa bao giờ hạ nhiệt. 

Mấy tháng đầu bán đắt, thu nhập tương đối khá, em phải thuê thêm người phụ. Thấy em làm ăn được, mấy nhà gần đó cũng bán theo. Đoạn đường có hai trăm mét mà có đến ba người cùng bán trà sữa, khách hàng chia đều, doanh thu giảm đáng kể. Đang thoi thóp chưa biết gỡ cách nào thì hai ba đợt dịch ập tới khiến em "nốc ao" luôn.

Chồng em làm kỹ sư công trình. Mấy tháng nay việc xây dựng bị ngưng lại hết, xem như nghỉ việc vô thời hạn. Tình hình này mà kéo dài thêm nữa vợ chồng em chưa biết xoay sở sao khi nhà em đang phải ăn dần vào mớ tích luỹ còm cõi.

Chị giúp việc theo giờ cho tôi mới gọi điện thông báo: sau đợt giãn cách này chị sẽ về quê. Những nhà khác nơi chị hay đến làm đã thông báo sau giãn cách họ sẽ không thuê chị nữa để cắt giảm chi phí bởi gia đình nào cũng đã hoặc đang lâm vào cảnh khó khăn. Về quê chị cũng chưa biết sẽ tiếp tục làm gì để sống nhưng trước mắt cứ về đi đã, có gia đình  để nương nhờ những lúc này vẫn thấy được ủi an.

Người giàu cũng gặp khó theo kiểu giàu. Vợ chồng cô bạn "doanh nghiệp trẻ thành đạt" của tôi chuyên nhập nguyên phụ liệu may mặc về sản xuất vừa đăng báo rao bán căn hộ cao cấp vốn để cho thuê xưa nay với giá "bán đổ bán tháo". Mấy lô hàng nhập về chưa thông quan được phải đóng tiền lưu kho trong khi sản xuất bị ngưng trệ, khách hàng nợ khắp nơi vì ai cũng đang trong tình trạng khó khăn chung. Bán căn nhà để thanh toán một phần nợ lương công nhân viên, trả lãi vay ngân hàng chứ nhìn về tương lai, bạn không biết sẽ trụ được bao lâu.

Hậu quả của mấy đợt COVID-19 khốc liệt thực sự, cũng như khó khăn đã vào từng nhà chứ không chỉ còn là câu chuyện người ta hay nói của ai khác nhan nhản trên mạng. Những ai có "của ăn của để" thì đây là dịp để họ xài "phạm" vào. Những ai từng xài tiền vung tay quá trán thì cũng đã đến lúc nhìn lại cái hầu bao của mình. Những người vốn căn cơ có bình tĩnh hơn nhưng không thể vui vẻ khi nhìn về những ngày tháng phía trước.

Lạc quan, tin tưởng và không ngừng hy vọng ở ngày mai thiết nghĩ là những gì người ta có thể nhắn nhủ nhau hoặc tự dặn mình trong lúc này bởi chẳng ai biết trước được ngày mai cuộc sống sẽ tiếp diễn như thế nào, nhất là khi thông tin về các biến chủng vi rút nguy hiểm đang thách thức cả những loại vắc-xin hàng đầu thế giới. Nhưng có hoang mang, buồn bã cũng chẳng làm được gì tốt đẹp hơn khi dịch giã, thiên tai đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người.

Chỉ biết rằng, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Miễn ta còn sức khoẻ, còn tình yêu thương từ những người thân yêu xung quanh mình và quyết tâm nắm tay nhau đi đến cùng thì dẫu có khó khăn hơn một chút, chật vật hơn một chút, chỉ cần khéo ăn sẽ no, khéo co thì sẽ ấm thôi mà!

Theo phunuonline