Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và chồng cũ kết hôn cách đây 7 năm. Chúng tôi có một con trai, năm nay cháu đã 7 tuổi. Tình cảm vợ chồng tôi nói chung là tốt đẹp. Chồng tôi là người tình cảm, trách nhiệm và biết lo toan cho gia đình.

Tất cả những mau thuẫn mà chúng tôi có đều phát sinh từ mẹ chồng. Bà hà khắc, luôn xét nét tôi. Chồng tôi lại là người con có hiếu, ngoan ngoãn nghe lời bà. Nhiều lần mâu thuẫn với nhau, anh luôn bảo tôi ráng nhịn mẹ, vì mẹ nuôi anh một mình cả đời, với mẹ, anh là tất cả, nên anh không muốn làm mẹ buồn, thất vọng.

Anh nói rằng anh cũng biết mẹ có nhiều điều quá khó khăn, vô lý với tôi, nhưng từ ngày hiểu chuyện, nhất là từ khi mẹ bị ung thư cách đây 10 năm, anh đã tự hứa với mình là sẽ không bao giờ cãi lời bà bất cứ chuyện gì.

Anh nói rằng chỉ vì tôi không coi mẹ là mẹ mình, nên tôi mới cố chấp thế, chứ anh sống với mẹ cả đời, cũng có nhiều điều vì quá thương anh mà mẹ làm anh rất mệt mỏi, nhưng anh vẫn không bao giờ phản đối mẹ.

Tôi nhiều lần yêu cầu anh ra sống riêng, chỉ cần ở gần mẹ là được. Kinh tế gia đình chung tôi cũng đủ thuê một người chăm sóc mẹ ngày đêm, và anh có thể chạy đi chạy về bên mẹ mỗi ngày. Miễn là mẹ để cho tôi được yên. Thế nhưng chồng tôi nhất định không chịu phương án này.

Tình cờ, mẹ anh biết được yêu cầu sống riêng của tôi. Bây giờ bà càng làm quá lên, nói với anh rằng tôi muốn chia rẽ tình mẹ con. Bà nói anh lựa chọn giữa mẹ và vợ. Bà nói bà không bao giờ chấp nhận sống cùng tôi nữa. Bà còn bịa đặt tôi âm mưu đuổi bà đi, chiếm nhà cửa, tranh giành tài sản...

Tôi không muốn ly hôn, vì tôi còn thương chồng rất nhiều. Tôi cảm thấy anh đang dao động. Nhiều lần anh nói với tôi là anh sợ phải hối hận cả phần đời còn lại. Nhưng tôi nghĩ gia đình tan vỡ thì anh không hối hận hay sao? Tôi rất tức giận khi anh nói ra điều này. Tôi phải làm sao bây giờ đây chị Hạnh Dung?

Võ Thị Kim Yến

Chị Kim Yến thân mến,

Chị nghĩ mình là người đau khổ, thiệt thòi, mệt mỏi, thế nhưng chị có nghĩ rằng chồng mình có lẽ là người đau khổ và mệt mỏi nhất trong nhiều năm qua không? Và chính lúc này, anh ấy còn phải đứng trước những vấn đề quá sức gay gắt, bị o ép từ hai phía.

Hạnh Dung không thể lên án, trách móc hay nghiêng về phía ai được, vì cũng không biết rõ những gì chị trải qua với mẹ chồng, cũng không biết rõ chị đã chịu nhịn bao nhiêu, cố gắng bao nhiêu, đã phản kháng bao nhiêu và phản kháng thế nào, có chừng mực, khôn ngoan hay không?

Hạnh Dung cũng nghĩ trong trường hợp quá xấu, thì phương án chị đưa ra không phải là phương án tồi. Người ta bảo "Xa mỏi chân, gần mỏi miệng". Nếu không thể dung hòa, thì sống tách riêng ra để mà vẫn còn tình cảm với nhau, có trách nhiệm với nhau, là cũng hợp lý.

Câu nói của chồng chị, rằng chị không thương mẹ chồng như chính chồng chị cũng thế, vừa đúng, vừa sai. Về cả mặt lý thuyết lẫn thực tế.

Phân tích mọi điều để nói rằng trong kết quả của mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu đến mức đỉnh điểm như hôm nay, Hạnh Dung nghĩ rằng, chắc chắn, không chỉ có 2 bên đâu, mà cả 3 bên là mẹ, chị và chồng đều có cái đúng và cái sai của mình trong cả lý trí lẫn tình cảm.

Giá như mỗi bên lùi một bước, nhịn nhường một bước, khôn ngoan hơn một chút thì có lẽ sự việc đã không đến mức gay gắt thế này.

Vào đúng thời điểm này, nếu chị tiếp tục so bì với mẹ chồng và cũng ép chồng phải lựa chọn thì chắc chắn là mọi việc sẽ gãy đổ hết sức tàn nhẫn, mà Hạnh Dung nghĩ phần tổn thương lớn sẽ thuộc về chị và con.

Phương án tốt hơn cả là chị và chồng hãy tìm mọi cách để thuyết phục bà, làm cho bà hiểu rằng chị sẽ thay đổi, sẽ cố gắng gần gũi, yêu thương và lắng nghe bà nhiều hơn. Và chị sẽ phải thật sự làm điều đó cho được, nếu chị không muốn tan vỡ, không muốn chồng, mình và con đau khổ.

Nếu mẹ chồng quá cương quyết vì đã hiểu tâm tính, tình cảm con trai, chị hãy cùng chồng thảo luận, chọn con đường lùi 1 bước, để rồi tiến về phía nhau 2, 3 bước. Hãy cứ làm như vợ chồng tách ra một thời gian, để cả 3 cùng nghĩ lại, cùng xem xét mọi vấn đề của mình.

Vợ chồng ly thân để suy nghĩ cũng đã nhiều, nhưng đây sẽ là cuộc ly thân của 3 người. Thời gian hòa hoãn và sống tách riêng này chị phải cố gắng thăm hỏi, chăm sóc, thể hiện tình cảm của mình với mẹ chồng, còn chồng chị cũng phải thể hiện sự thương nhớ, mong mỏi được sống cùng vợ con, dù đang cố hết sức chiều mẹ, hy sinh mà làm theo ý mẹ.

Tất nhiên, còn phương án cuối cùng mà không ít những người vợ cứng rắn đã lựa chọn: nếu chồng không bảo vệ được mình, là người đàn ông cả đời núp váy mẹ, làm theo ý mẹ và khiến mình luôn phải ấm ức, mệt mỏi, thì việc chia tay thật sự sẽ là điều không tránh khỏi.

Nhưng Hạnh Dung hy vọng chị và chồng sẽ có những bước xử sự khôn ngoan nhất. Dù có thể sẽ mất một khoảng thời gian khá lớn, sự vất vả vì sống tách riêng, chịu đựng sự chia ly tạm thời... nhưng rồi sẽ tới lúc cả 3 cùng hiểu ra những điều mình cần làm, vì người mình thương yêu, chứ không vì mình.

Theo phụ nữ TPHCM