"Nếu phải cảm ơn ai để có ngày mẹ con bên nhau thì chắc chắn đó là luật sư Đ. văn phòng C." - chị Minh Thùy (ở quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ trên Facebook.

Chị cho biết, trong cuộc chiến ly hôn căng thẳng 5 năm trước, khi bạn bè, nhà ngoại đều hối thúc chị giành con với chồng cũ, luật sư Đ. lại tư vấn ngược chiều.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Luật sư Đ. khuyên chị Thùy đừng tìm luật sư bênh vực để giành quyền nuôi con trai, vừa tốn tiền vừa… không hay. Do chị Thùy không có việc làm ổn định, không có nhà cửa, tinh thần lại đang bất ổn.

“Vũ khí” duy nhất chị có là việc vạch lỗi chồng ngoại tình, nhưng điều ấy vẫn chưa chắc khiến chồng chị mất quyền nuôi con.

Anh Đ. phân tích: chứng cứ ngoại tình đúng theo yêu cầu của pháp luật phải có việc “bắt quả tang”, với sự chứng kiến của công an/tổ dân phố. Hơn nữa, chị ra đi tay trắng, dự định về quê mẹ ruột sinh sống, là một vùng xa xôi, không hề tiện cho việc học hành của bé; trong khi chồng chị có việc làm vững chắc và điều kiện nhà cửa tốt ở thành phố.

Xét tương quan như vậy, tòa rất khó xử giao con cho chị. Luật pháp bảo vệ quyền của người mẹ, nhưng cũng cân nhắc quyền lợi của đứa trẻ và người cha. Lao vào cuộc chiến này, chị sẽ rất mệt mỏi, vì ở phía kia, chồng cũ đã tuyên bố quyết không buông con. Đứa bé là cháu đích tôn, nên cả dòng tộc nhà chồng đều đứng sau hậu thuẫn chồng chị, thậm chí họ đã nhiều lần lập kế hoạch "cướp" đứa cháu.

“Thế tôi phải làm sao? Tôi không thể mất con” - chị Minh Thùy sụt sùi hỏi luật sư.

Anh Đ. tiếp tục phân tích: “Do tình thế của mình bất lợi, chị đừng cố tranh giành, mà cứ nhún nhường, hòa hảo để đàm phán. Đàm phán được bao nhiêu, mình chấp nhận bấy nhiêu.

Càng giành giật, cháu bé càng khổ. Nếu chị nén được nỗi thương con, cứ sống tốt, làm cho các điều kiện việc làm, thu nhập... thuận lợi lên, rồi lúc ấy xin tòa thay đổi quyền nuôi con. Đường dài, vất vả, nhưng đỡ gây tổn thương cho bé và cũng không làm quan hệ giữa chị và chồng hay nhà chồng tệ thêm. Mối quan hệ này mà không tốt thì chẳng đứa trẻ nào an ổn. Hãy vì con chị ạ.

Từ thực tế làm nghề của tôi, cứ 100 vụ ly hôn mà đàn ông giành nuôi được con thì 98% sau này họ lại trao đứa con về cho mẹ. Đàn ông giành con nhiều khi vì hiếu thắng, vì họ tin bản thân có thể nuôi dạy con dễ dàng, đơn giản, có tiền là thu xếp được tất cả. Tới khi bất lực trong việc chăm sóc, đưa đón, dạy con hoặc thấy con ở với bên nội không tốt bằng ở với mẹ… họ sẽ suy nghĩ lại.

Tôi vẫn đang theo 1 vụ hậu ly hôn ở Tây Nguyên 9 năm nay. Cha mẹ giành con, đôi bên liên tục làm đơn kiện cáo xin đổi quyền nuôi con suốt 9 năm. Mỗi lần như vậy, đứa trẻ khổ sở tiếp tục phải trả lời cái câu nhức nhối "Con muốn ở với ai?". Có lần, đứa bé nói với cán bộ tòa: “Cháu chỉ chờ 18 tuổi để được ở một mình”. Tôi nghĩ, trong trường hợp chồng chị không buông con trai thì tới năm 18 tuổi, con chị sẽ tự về với mẹ, miễn chị đừng bao giờ rời xa bé".

Sau này, chị Thùy nói với bạn bè, thật ra những điều luật sư Đ. nói, chị từng đọc đâu đó, nhưng không đủ tin mà theo. Chị đi tham vấn các luật sư khác, ai cũng nói, hãy bảo vệ quyền làm mẹ tới cùng, bởi nếu không được nuôi con, nghĩa là mình mất con, việc thi hành luật ở mình yếu, nên nhiều nhà nội đã cấm mẹ - con không được gặp nhau đấy thôi.

Năm đó, rời văn phòng luật sư Đ., chị Thùy tỉnh táo nhìn hoàn cảnh tay trắng của mình và chấp nhận lùi một bước. Chị bắt đầu trao đổi với chồng cũ và cố gắng không gây thêm mâu thuẫn. Chị không về quê mà thuê phòng trọ gần nhà chồng cũ.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Được bạn bè giúp, chị xin được việc làm tạm để trang trải tiền nhà. Sau vài lần đổi việc, thu nhập của chị đã khá hơn. Khi thỏa thuận ly hôn, chị nhắc chồng rất kỹ việc cùng nhau chăm sóc con, yêu cầu anh cứ cuối tuần cho chị đón con sang chơi, cứ mỗi dịp hè thì cho con về thăm ông bà ngoại.

Chồng cũ của chị thấy chị cư xử văn minh, nhã nhặn, nên cũng tôn trọng quy tắc cuối tuần và nghỉ hè của bé, lại cho con thoải mái dùng điện thoại để liên lạc với mẹ. Chị Minh Thùy vẫn được sát bên con suốt những năm tháng tiểu học, vẫn đưa con đi học tiếng Anh vào cuối tuần và khi cần ghé mang thức ăn cho con.

Mới đây, chị khoe với luật sư Đ. rằng chồng cũ đã giao con cho chị nuôi để anh lập gia đình mới. “Thật may, mọi tiên đoán của luật sư đã đúng. Tôi nghĩ anh ta giao con rồi thì cũng chẳng cần làm đơn thay đổi quyền nuôi con làm gì” - chị nói và cảm ơn luật sư Đ. lần nữa. 

Theo phụ nữ TPHCM