Người ta thường nói: “Hổ dữ không ăn thịt con” để ám chỉ rằng, dù cả thế giới có quay lưng, sẵn sàng bỏ rơi bạn nhưng mẹ vẫn dang tay chào đón bạn trở về. Ấy thế mà lại có những người mẹ… quyết tâm rời xa con mình.

Khánh Ngọc - một giáo viên cấp II, là người mẹ có hai con - đã ngoài 30 tuổi nhưng sức khỏe và công việc đều không thuận lợi. Nhiều lần, chị tự hỏi: “Mình sống để làm gì?”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Ý nghĩa của cuộc đời như chiếc bè giúp chị bám vào vượt qua bao đau thương. Sau cùng, câu trả lời cho việc sống là vì con, nhưng tụi trẻ chưa hiểu được lý do tại sao mẹ lại bỏ đi, để con cho ba nuôi.

Nếu không hiểu được câu chuyện của chị, ắt hẳn ta sẽ nghĩ chị là người mẹ nhẫn tâm, ích kỷ. Tuy nhiên, khi nghe chuyện chị kể kèm những giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi mới hiểu được chị, thông cảm cho chị.

Chị lấy chồng khi mới tốt nghiệp đại học. Chị dành cho anh cả thanh xuân. Gia đình chị đã rất hạnh phúc trong những năm tháng đầu sau hôn nhân. Đôi vợ chồng với hai người con trai khiến chị nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi vui vẻ, hạnh phúc. Nào ngờ, chồng chị ngoại tình. Đến khi biết được tin, cả bầu trời trong chị sụp đổ, tương lai mịt mờ hoàn toàn. Bây giờ, khi nghĩ lại, chị đôi lần hỏi: “Tại sao mình lại vượt qua được sóng gió đó nhỉ?”.

Ngày chị viết đơn ly hôn gửi tòa, mọi người từ gia đình chồng đến họ hàng bên chị đều trách chị không biết suy nghĩ. Nhưng chị chọn im lặng.

Chị ra khỏi nhà, để hai con lại cho chồng nuôi, mọi người lại quay ra nói chị là người mẹ vô tâm. Chị vẫn không giải thích.

Ảnh mang tính minh họa - Lifeforstock
Ảnh mang tính minh họa - Lifeforstock

Chỉ sau 2 tuần ly hôn, anh ta đưa cô bồ về, cả nhà mới tá hỏa biết được nguyên nhân sau hành động của chị. Mãi sau này, khi được hỏi về lý do không mang theo hai con, chị mới thú nhận: “Đó là lựa chọn tốt nhất dành cho hai con, nếu không hai đứa sẽ phải chịu khổ, vì tôi không có tiền nuôi con”.

Chị vẫn gọi cho con mỗi ngày, đưa đón con đi học, vào viện khi con ốm đau. Các con chị không ở bên mẹ, nhưng vẫn cảm thấy tình thương và sự quan tâm của mẹ. Nhiều người hiểu chuyện, ai cũng cảm thấy xót xa cho thân phận đàn bà, nhưng cũng cảm phục tinh thần của chị.

Chị Chân Lâm - một tiểu thương - mắc chứng trầm cảm sau sinh. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu gia đình thương yêu và bao bọc, nhưng họ lại trách mắng và tạo rất nhiều áp lực cho chị. Chị quyết định đem con về nhà mẹ đẻ và ly hôn. Ở nhà được vài tháng, khi con đủ tuổi uống sữa, chị quyết định đi Nhật làm việc. Ngày chị đi, ai cũng khuyên can, nói chị ở nhà đi, đặc biệt là mẹ ruột chị.

Chị chỉ nhẹ nhàng đáp: “Con đi để tốt cho con, cho mẹ và cho con của con. Nếu không đi, con không biết sẽ cư xử thế nào với hai người nữa”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Một thời gian sau, khi bình tâm, chị đã trưởng thành hơn rất nhiều. Khi từ Nhật trở về, chị có tiền và quan trọng hơn là có khả năng tự tạo hạnh phúc cho mình.

Người ta cần biết đâu là lựa chọn tốt cho con, vì không phải cứ ở gần là sẽ mang lại hạnh phúc cho nhau. 

Theo phụ nữ TPHCM