Hình ảnh người phụ nữ bên khung quay tơ ở làng Cổ Chất, Nam Định - Ảnh: AFP

"Những người phụ nữ lành nghề ngồi bên khung quay, thoăn thoắt tuốt tơ từ mớ kén tằm bồng bềnh trong nồi nước sôi tỏa khói tại làng Cổ Chất ở Việt Nam, nơi mà nhiều hộ gia đình đã gắn bó với nghề làm tơ tằm hơn một thế kỷ qua", AFP mở đầu bài viết bằng hình ảnh người phụ nữ bên khung quay tơ ở làng Cổ Chất.

Phóng viên AFP đến thăm ngôi làng nằm ở tỉnh Nam Định, cách thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe này vào những ngày cuối cùng của mùa sản xuất.

Làng Cổ Chất nổi tiếng với nghề làm tơ từ hơn 100 năm nay - Ảnh: AFP

Đó cũng là thời điểm mà hàng chục nhân công, hầu hết là phụ nữ, đang bận rộn tuốt tơ, se tơ tại các xưởng trong làng.

Sau khi các sợi tơ trắng và vàng được se vào khung quay gỗ, người ta sẽ mang tơ đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

"Việc sản xuất kén tằm phụ thuộc 90% vào thời tiết. Sản phẩm của chúng tôi sẽ bị hư nếu không phơi nắng, thậm chí loại tơ chất lượng cũng sẽ bị hư nếu thời tiết xấu", ông Phạm Văn Ba, chủ một xưởng tơ trong làng chia sẻ với AFP. Gia đình ông đã ba đời gắn bó với nghề tơ tằm.

Theo AFP, mỗi ngày, một nhân công có thể chế biến khoảng 30kg kén tằm, và sản phẩm tơ cuối cùng được bán cho thương lái để xuất khẩu sang Lào và Thái Lan.

Mỗi nhân công chế biến được khoảng 30kg kén tằm mỗi ngày - Ảnh: AFP

Một số hộ trong làng đã chuyển sang đầu tư máy quay tơ hiện đại, tuy nhiên, phần lớn vẫn chọn cách sản xuất truyền thống dù phải ngồi cả ngày đầm đìa mồ hôi trong xưởng nóng bức.

Theo giải thích của ông Ba, việc sản xuất thủ công có thể giúp "cứu" được những sợi tơ còn dùng được dù không đạt chuẩn.

"Nguyên liệu không chuẩn thì máy cũng không thể làm được, máy thua thủ công, nên từ xưa giờ ở địa phương này toàn làm thủ công. Hàng đầu vào [kén tằm] đẹp thì người ta làm tơ đẹp, hàng đầu vào xấu thì người ta làm tơ vừa vừa", ông Ba giải thích.

Một số hộ trong làng đã chuyển sang dùng máy móc hiện đại, nhưng phần lớn với gắn bó với thao tác thủ công - Ảnh: AFP

Bài viết của AFP cho biết mỗi nhân công làm tơ kiếm được khoảng 10USD (hơn 200.00VNĐ). Theo chị Trần Thị Hiền, 37 tuổi, một người làm tơ trong làng, thì công việc này cũng khá bấp bênh.

"Nếu giá thị trường lên, thì chúng tôi có thể có được thêm chút lợi nhuận. Nếu không thì [thu nhập từ nghề này] chỉ đủ để trang trải chi phí", chị Hiền nói.

Như nhiều người khác trong làng, chị Hiền cũng tâm tư về tương lai của nghề này khi mà càng nhiều người trẻ thích cuộc sống thành thị hơn chốn làng quê. "Các con tôi nói rằng nghề này cực quá, tụi nó muốn kiếm việc khác", chị chia sẻ.

Theo tuoitre