Vợ chồng GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng và con gái Nguyễn Kim Nữ Thảo

Trong chuyện học của các con, vợ chồng tôi thống nhất không ép các con học cũng như chọn ngành theo ý của cha mẹ mà chỉ luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Nguyễn Lân Hiếu, con trai tôi, theo ngành Y vì rất thương bà nội và bà ngoại. Thấy hai bà đều mất do bệnh tật nên con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người như bà. Con gái Nguyễn Kim Nữ Thảo ban đầu cũng muốn theo ngành của mẹ, của anh. Tôi vẫn ủng hộ ý nguyện của con nhưng đồng thời rủ con đến phòng thí nghiệm ở Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học. Ở đó, con đã nhìn thấy bao nhiêu vi sinh vật đẹp qua kính hiển vi. Con yêu thích, say mê với Sinh học, vi sinh vật từ đó.

Thời gian đi thực tập tại Nhật Bản, Nữ Thảo đã cùng các chuyên gia Nhật Bản phát hiện được nhiều loại xạ khuẩn mới từ các chủng phân lập tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình học Tiến sĩ ở Mỹ, Nữ Thảo về công tác tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học và đã tìm được nhiều sinh vật mới. Cách mà tôi hướng nghiệp cho con là khơi gợi, khuyến khích chứ không ép con. Bởi các con chỉ có thể phát huy khả năng từ niềm say mê của chính mình chứ không phải của bố hay mẹ.

Để hiểu được niềm say mê của con thì bố mẹ phải thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với con. Trong gia đình, cần có không khí dân chủ, bình đẳng, không tạo sự cách biệt giữa cha mẹ và con cái. Bố mẹ chính là người bạn lớn của các con, phải tôn trọng từ ý kiến đến sở thích của con. Dạy con là cả một quá trình, mà giai đoạn nào cũng rất quan trọng. Con càng lớn thì bố mẹ càng nên lắng nghe con nhiều hơn. Đặc biệt, bố mẹ đừng phủ cái bóng lên con, đừng tin là mình giỏi hơn con vì thế hệ sau thường chiếm nhiều ưu thế hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, mỗi thế hệ có những mặt mạnh khác nhau, điều quan trọng là cần biết phát huy thế mạnh của mỗi người.

Ý thức vươn lên mạnh mẽ

Tôi là 1 trong 2 người tốt nghiệp ĐH ít tuổi nhất Việt Nam, khi mới 18 tuổi. Khi được cử giảng dạy môn Vi sinh vật học, là môn học tôi chưa được học bao giờ, tôi rất ngỡ ngàng. Thế nhưng, điều đó không khiến tôi chùn bước mà tôi coi đó là một thử thách. Từ lời khuyên của những người đi trước, tôi đã tìm sách vi sinh vật học của Nga và Trung Quốc về dịch dù vốn ngoại ngữ rất nghèo nàn. Tôi đã hoàn thành việc dạy môn học này ở ĐH Tổng hợp ngay từ khóa 1 cho đến khi nghỉ hưu. Không chỉ có vậy, tôi nghiên cứu và từng bước xây dựng được một lực lượng khoa học về vi sinh vật học. Tôi đã thành lập được Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học rất có ý nghĩa hiện nay.

Chính sự tự học, niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu, ý thức vươn lên của tôi, vợ tôi cũng như các thành viên trong gia đình Nguyễn Lân đã vun đắp cho các con tôi tinh thần phấn đấu, làm việc không mệt mỏi. Lân Hiếu, con trai tôi, sau những học hỏi, tìm tòi, là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch về Việt Nam. Hiện nay, Lân Hiếu có thể mổ tim cho 15 đến 20 người/ngày. Đây thực sự là cuộc cách mạng về công nghệ. Lân Hiếu liên tục được mời sang nước ngoài mổ. Nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng cử người sang học công nghệ mổ của Lân Hiếu. Dù quá bận rộn với công việc chuyên môn nhưng Lân Hiếu vẫn trau dồi ngoại ngữ. Giờ con có thể nói thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nga.

Trong quá trình nuôi dạy con, vợ chồng tôi khuyến khích các con học giỏi không vì mục đích để trở thành “ông nọ, bà kia” mà phải là người có ích cho xã hội. Với tay nghề của mình, bác sĩ Lân Hiếu đã mổ và cứu sống hàng trăm bệnh nhân bị tim. Nữ Thảo, dù được Mỹ giữ lại làm việc với mức lương 3.000 USD/tháng nhưng vẫn trở về Việt Nam làm việc với thu nhập vài triệu đồng/tháng. Là Trưởng phòng Công nghệ cao của Viện Vi sinh vật học, Nữ Thảo đã phát hiện ra nhiều sinh vật mới. Thấy các con có những cống hiến, đóng góp cho xã hội, vợ chồng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Nhật Minh/ Phụ nữ Việt Nam