"Tôi đã khá bất ngờ khi được thông báo rằng có người từ chính quyền muốn gặp mình. Hóa ra, họ tới trao tôi phần quà hỗ trợ trong đại dịch. Tôi rất biết ơn Việt Nam vì đã quan tâm cộng đồng người nước ngoài nơi đây", Adrian John Leeds, chàng trai người Anh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, xúc động kể lại.
Nhiều người nước ngoài cũng chia sẻ cảm xúc trên khi bất ngờ nhận được phần quà của chính phủ. Trong hoàn cảnh khó khăn giữa đại dịch, sự hỗ trợ này giúp họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau.
Biết ơn và tin tưởng
Từ cuối tháng 7, khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Adrian John Leeds gặp khá nhiều khó khăn trong việc mua thực phẩm. Trong vòng gần một tháng, anh ăn uống kiểu "sinh viên" với mì gói, xúc xích và sụt 3 kg.
Adrian John Leeds rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhận được món quà hỗ trợ.
Việc giãn cách khiến mọi công việc của Leeds phải chuyển sang trực tuyến. Vì không thể đi lại, đã khá lâu anh chưa được gặp vợ sắp cưới dù sống cùng thành phố.
Tuy gặp những trở ngại trên, anh luôn giữ tinh thần tích cực, hài lòng với cuộc sống.
"Tôi không cần gì nhiều, miễn là có nơi để ăn, ngủ, làm việc và được nói chuyện với bạn gái hàng ngày. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để kinh tế và tinh thần của mọi người có thể phục hồi", anh bày tỏ.
Ngày 3/9, Leeds được chủ nhà gọi đến và thông báo về món quà hỗ trợ. Anh rất ngạc nhiên và xúc động.
"Tôi chưa bao giờ trông đợi rằng mình sẽ nhận được sự hỗ trợ. Hành động của chính quyền Việt Nam làm tôi cảm thấy mình không bị lãng quên", anh chia sẻ với Zing.
Sonya Firsova, diễn viên kiêm ca sĩ người Nga sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội, rất biết ơn khi nhận được gói quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc và một khoản tiền.
"Trong khoảng thời gian khó khăn hiện tại, mọi sự hỗ trợ đều rất ý nghĩa, không chỉ về mặt vật chất mà cả về tinh thần. Nó cho thấy tình người và sự nhân văn của Việt Nam. Tôi cảm thấy mình không cô đơn và luôn có những người ở bên quan tâm, giúp đỡ", cô nói với Zing.
Sonya Firsova bày tỏ sự tin tưởng vào công tác chống dịch tại Việt Nam.
Firsova cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt trong giai đoạn đầu chống dịch. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng mới, tình hình đã trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn.
Thời gian giãn cách kéo dài khiến cô nhớ những điều mà trước đây tưởng chừng nhỏ nhặt như đi dạo trong công viên, gặp bạn bè, đến quán cà phê.
Công việc phải chuyển sang trực tuyến cũng khiến cô mất nhiều thời gian để thích ứng.
"Tôi tin rằng đợt dịch này sẽ giúp mọi người trân trọng cuộc sống bình thường trước kia hơn. Những lần đi cà phê của tôi sau giãn cách chắc chắn sẽ trở nên rất đặc biệt", Firsova bày tỏ.
Muốn trao phần quà tới những hoàn cảnh khó khăn
Được chủ nhà thông báo về việc đăng ký nhận gói hỗ trợ, Shane Richardson, giảng viên ngành luật người Hà Lan sống tại Tây Hồ, Hà Nội, đã từ chối.
Tuy nhiên, anh và bạn cùng nhà vẫn nhận được phần quà.
"Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn vì hành động đẹp của chính quyền. Tuy nhiên, tôi tin rằng có nhiều người ngoài kia đang gặp khó khăn và sẽ cần sự trợ giúp này hơn mình. Chúng tôi quyết định chia gói hỗ trợ thành nhiều phần quà nhỏ hơn, mua thêm đồ thiết yếu với số tiền được tặng để quyên góp cho sinh viên và người nghèo trong thành phố. Với tình trạng giãn cách khá nghiêm ngặt của Hà Nội, tôi vẫn đang tìm cách để vận chuyển những gói quà đến tay người cần giúp đỡ", Shane Richardson kể.
Shane Richardson mong muốn có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với sự hỗ trợ mình nhận được.
Chia sẻ với Zing, Richardson đang thích ứng tốt trong thời gian giãn cách. Anh ăn uống và tập luyện đều đặn, cân bằng giữa làm việc trực tuyến và nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, anh lên sân thượng để tận hưởng ánh nắng mặt trời do lâu ngày không được ra ngoài.
Ngoài ra, Richardson cũng thường xuyên gọi điện cho người thân ở Hà Lan để không cảm thấy cô đơn. Hơn 3 năm ở Việt Nam, anh đã trải qua 2/3 thời gian sống chung với Covid-19. Dù khá quan ngại với tình hình hiện tại, anh tin rằng chính quyền đang đi đúng hướng.
"Vào đợt dịch đầu tiên, Việt Nam đã có những hành động chống dịch quyết liệt trong khi các nước phương Tây còn đang tranh cãi việc đeo khẩu trang hay đóng cửa. Tuy nhiên, trước sự tấn công của biến chủng mới, Việt Nam đã chịu nhiều tổn hại nặng nề. Tôi hy vọng rằng mọi người được an toàn và duy trì sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời gian khó khăn này. Sau giãn cách, khi các nhà hàng mở cửa trở lại, tôi rất mong được đi ăn những món yêu thích", anh nói.
Theo Zing