Tết vừa qua, Shanshan, 25 tuổi được gia đình sắp xếp cho nhiều buổi ra mắt nhưng bị hoãn lại do dịch bệnh. Gần đây dịch ổn hơn, tất cả các kế hoạch mai mối từ trước dồn dập đổ về. Cô gái kể, tổng số lần xem mắt các năm trước khoảng 20 cuộc, nhưng chưa đầy 2 tháng qua cô đã gặp 28 chàng trai. Họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhiều người có kinh tế mạnh.

Sau mỗi ngày làm việc và cuối tuần, cô lại đi gặp hết người này tới người khác, đôi khi có ngày hai cuộc hẹn. Mỗi ngày, điện thoại của cô liên tục dội tin nhắn, ngoài công việc, hầu hết đều liên quan đến các "đối tượng", người nhà và các bà mối.

Trước buổi hẹn hò đầu tiên, cô hồi hộp và mong chờ một kết cục tốt đẹp. "Đúng như mọi người nói, hẹn hò giấu mặt giống như mua vé số. Tôi đã nghĩ mình có thể trúng độc đắc, nhưng giờ khi đối mặt với những thất vọng lặp đi lặp lại, tôi thấy như một mớ bòng bong", cô thở dài.

Ở Trung Quốc, hẹn hò giấu mặt là một cách để người độc thân tìm bạn đời. Nữ giới sẽ đeo mặt nạ, còn đàn ông thì không. Ảnh: Sohu.

Mỗi ngày gần như lặp lại, cô trang điểm, đi làm, đi ăn cùng họ, tán gẫu. "Giờ tôi vẫn thấy hẹn hò giấu mặt như mua vé số, nhưng tôi không mong đợi trúng số, thậm chí không muốn xem là dãy số nào", cô tâm sự.

Những buổi xem mặt không mang lại kết quả khiến Shanshan mệt mỏi và tự ti. Nhưng nếu cô chống đối không đi, đồng nghĩa với chọc tức cả gia đình. "Không chỉ có mẹ, dì, mà cả các bác, các bà, ông nội ngoại suốt ngày giục tôi sớm cưới chồng", Shanshan cho biết.

Có lần ông nội cằn nhằn Shanshan. Sẵn áp lực công việc, lại tủi thân, Shanshan nói lại ông. Kết quả, không chỉ cô mà cả mẹ cô bị lôi ra mắng là "không biết dạy con, không lấy được chồng thì gia môn bất hạnh".

Nhiều người bạn cũng không thể hiểu nổi sao Shanshan xinh đẹp, công việc tốt lại phải gấp gáp kết hôn. Nhưng chỉ "trong chăn mới biết chăn có rận". Cô là con gái lớn trong nhà, sau còn một em gái đang học đại học. Ông bà hai bên đều đã già yếu. Ở thế hệ của Shanshan mọi thứ đều do cha mẹ lo. Điều kiện gia đình cô không tệ, họ không cần cô phải báo đáp. "Kết hôn sinh con là mong muốn duy nhất của họ. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm họ hài lòng", cô nói.

Có những cô gái như Shanshan, mới 25 tuổi, xinh đẹp, công việc tốt, gia cảnh không tệ nhưng chịu áp lực kết hôn. Ảnh: QQ.

Nhưng qua 28 cuộc gặp mặt, không ai lọt vào mắt xanh của cô gái. Ngược lại, cô còn gặp những người không chấp nhận nổi. Có lần chàng trai hỏi bố mẹ cô có lương hưu không, đã mua bảo hiểm chưa. Shanshan rất ngạc nhiên về chủ đề này. Cô cũng không thích người đàn ông này nên đáp. "Không chắc, có lẽ không". Người đó rút lui ngay, sau đó nói lại với bên mai mối rằng, vì cha mẹ của Shanshan không có lương hưu nên gánh nặng cuộc sống sau này quá lớn. Cô gái chỉ biết cười trừ.

Một người khác khiến cô không thốt lên lời. Anh chàng này cao 1m80, ngoại hình ưa nhìn, sau buổi hẹn vẫn giữ liên lạc và nghĩ có thể tiếp tục phát triển. Nhưng khi trò chuyện, anh này hỏi cô: "Bạn có phải 'em gái trà xanh' không? (kiểu phụ nữ giả vờ ngoan hiền, đào mỏ)". Cảm thấy không được tôn trọng nên cô không muốn liên lạc nữa. Không ngờ sau đó người này tiếp tục quấy rối, rồi đòi chia tiền bữa ăn.

Bây giờ, số lượng người hẹn hò giấu mặt của Shanshan ngày càng nhiều, cô gái vẫn đang trong cuộc chơi, với tâm thế "Không mong gặp được tình yêu, chỉ mong sớm chấm dứt tình trạng độc thân", cô nói.

Theo vnexpress