Sau tết, tôi nhìn chiếc tủ lạnh duy nhất trong nhà thấy mà thương và lo. Thương vì nó phải ì ạch quá tải với mớ rau củ quả, thịt cá, vì món nào má cũng cất vào tủ lạnh. Lo vì ăn không hết, thực phẩm để lâu sẽ hỏng, hại sức khỏe cả gia đình.

Đầu tiên là mấy cái trứng, củ hành tây lột vỏ sẵn xài không hết, hành lá, khoai tây, cà chua, mấy hộp sữa tươi, túi ớt, gần nửa kg đường… được má chất treo ngay cửa tủ lạnh.

Tôi có cảm giác cánh tủ có thể xệ xuống nếu má cứ treo mắc thế này một thời gian dài. Thiếu điều má chưa bỏ chai nước mắm vào treo trong tủ lạnh mà thôi.

leftcenterrightdel
 Cái gì má cũng treo hết trên cánh cửa bên trong tủ lạnh (ảnh minh họa)

Ngăn mát đầu tiên, má để nào táo, nào lê, thêm mấy trái thanh long, cam quýt cúng, chưng bàn thờ xong hạ xuống. Má bảo bỏ vào tủ lạnh cho trữ được lâu. Tôi nhìn nhiều loại quả vỏ đã nhăn nheo, nhắc má bỏ bớt đi thì má lại la: "Cứ để đó cho má".

Ngăn mát tiếp theo, má để nào hộp kho măng, củ kiệu, thịt kho... Có mấy cái bánh chưng, vài đòn bánh tét má nhét khéo vào. Tôi ghé tai vào nghe thử, cảm nhận bộ máy tủ lạnh đang chạy hết tốc lực, reo ù ù. Chiếc tủ lạnh này cả nhà mua đến nay đã hơn 5 năm rồi. Nó là loại tủ lạnh vuông cao ngang tầm mắt tôi, với 3 ngăn mát và 1 ngăn đông.

Tôi nhìn mấy đĩa đồ ăn còn dở dang, ít nước chấm, chao ăn dở… má chụp màng nilon và cho tất cả vào ngăn mát thứ 3. Để tận dụng không gian, má để một lớp chén rồi đến đĩa rồi đến chén. Cũng khó trách má, vì theo tục lệ xưa của ông bà quê tôi, tết cúng cơm 2- 3 lượt, mỗi lượt nhiều chén, nhiều món, bày ra cả bộ bàn dài, mâm này mâm nọ. Nhưng ngày xưa con cháu còn đông, cúng xong có người ăn. Sau này con cái dựng vợ cả chồng, tản mát muôn phương. Tết cúng xong, chẳng mấy ai ăn. Nhưng mang đổ bỏ cho gà ăn thì má bảo không được, mang tội. Má cứ chất đầy trong tủ lạnh.

Ngăn mát không mấy khoảng hở, tôi nghĩ ngăn đông sẽ ổn hơn. Nhưng không. Má cấp đông nhiều loại cá thịt tươi, không biết mua trữ từ khi nào. Hỏi má sao nhồi nhét dữ vậy, má bảo thịt và hải sản để đông lạnh cả tháng ăn cũng có sao. Bằng chứng là má không thấy có vấn đề gì. Nhưng tôi giải thích về lâu dài không dễ để kiểm soát và ẩn chứa nhiều nguy cơ có hại lâu dài với sức khỏe mà mắt thường, cảm nhận con người khó phát hiện. Tôi nhìn ngăn đông chiếc tủ lạnh mà lắc đầu, lo lắng vô cùng. Điều khó hiểu là nhà ở cách biển chưa tới 3 ki-lô-mét, hải sản cá, tôm đâu có thiếu để má lo xa suốt ngày dự trữ.

leftcenterrightdel
 Bảo quản trái cây, rau củ đúng cách để an toàn cho sức khỏe khi sử dụng (ảnh minh họa)


Bên cạnh việc cái gì cũng cho vào tủ lạnh, má còn tiếc mấy trái bưởi, ớt, tắc kiểng chưng trong chậu. Thay vì mang bỏ đi sau khi chưng xong, má lại hái xuống để dành, nói để ăn dần hoặc làm tắc xí muội.

Không còn cách nào khác, tôi mở tivi internet tìm cách mở các chương trình, clip cảnh báo của các chuyên gia y tế, sức khỏe về tình trạng sử dụng thức ăn thừa, trái cây nhiễm độc. Trên đó, các chuyên gia cảnh báo không nên trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh, phải kiểm tra thường xuyên các loại thực phẩm, dù đặt để trong ngăn đông hay ngăn mát. Các bác sĩ cũng dặn dò nếu quan sát thấy thực phẩm có thay đổi mùi, vị lạ hoặc màu sắc có vấn đề phải loại bỏ hoàn toàn, không nên cắt bỏ phần hư, chẳng nên giữ lại phần chưa hỏng.

Tôi không biết sau sự làm căng của tôi và cập nhật kiến thức từ các bác sĩ, chuyên gia, má có thay đổi, áp dụng hay không. Bởi ngay lúc này má tôi không chịu giải phóng bớt thức ăn trong tủ lạnh, cũng không đồng ý bỏ đi bất kỳ trái ớt, trái cà nào dù đã héo...

Theo phụ nữ TPHCM