Đứa trẻ mồ côi mẹ trèo rào đi lạc trong đêm
Cuộc đời của người đàn ông tên Nguyễn Văn Chi (quê gốc Hải Phòng) từng rất êm đềm. Đi bộ đội về, anh cưới người bạn gái quen biết từ thuở nhỏ. Hai vợ chồng sinh được 2 người con là bé Ly (tức Ni) và Sinh.
Thế nhưng khi Ly lên 5 tuổi, Sinh 10 tháng tuổi, cơn giông tố đen tối đã ập đến cuộc đời của ba cha con khi người vợ, người mẹ là chị Tập mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. An táng cho vợ được 3 ngày thì nhà cháy, mất cả ảnh thờ. Anh Chi chỉ còn giữ lại được tấm chứng minh nhân dân của người vợ đã khuất.
Một tay dắt đứa lên 5, một tay bế đứa chưa đầy tuổi, anh Chi đưa con vào Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai, số tiền có trong túi không đủ mua một cân đường. Ở nhờ họ hàng, anh Chi đi làm thuê ban đêm từ 9h tối đến 8h sáng hôm sau. Bé Sinh không theo ai, cứ nằm co dưới chân bố ngủ.
Bé Ly (tức Ni) và em trai tên Sinh thuở ấu thơ.
Ly từng đi lạc, vào mái ấm sống 3 năm sau đó về với mẹ nuôi là chị Trần Thị Thanh Tuyền.
Làm việc cật lực một năm, anh Chi mua được chiếc xích lô. Tiếp 2 năm, anh mua được chiếc xe ba gác máy. Vừa vác, vừa chở, vừa dỡ 4-5 tấn hàng trong 15 tiếng/ngày nhưng anh không dám ăn, dành dụm tiền để kiếm một chốn ở.
Mất đi người vợ thân yêu, tưởng chừng đã là nỗi đau lớn nhất đời. Thế mà chỉ 1 năm sau, cô con gái lớn mà anh thương quý cũng đi lạc mất tăm. Đó là khoảng năm 1995 - 1996, người đàn ông ấy suy sụp tưởng như không sống nổi.
Chuyện là, cô bé Ly có trí nhớ kém. Anh Chi gửi Ly đi nhà trẻ, nhưng bà nội cứ dẫn cô bé vào cửa trước thì cô lại trèo cửa sau trốn về. Bố đành đem Ly gửi cho dì ruột là sơ Hải. Khi đến nhà sơ, Ly đã 9 tuổi. Vào một hôm tờ mờ sáng, Ly trèo rào trốn khỏi đó, ra đường, đến chợ Khiết Tâm rồi đi lạc. Ly đi lạc đến công an phường Trường Thọ, rồi được đưa vào mái ấm nuôi dưỡng trẻ lang thang, cơ nhỡ.
Ly có trí nhớ kém, nghĩ đến hiện tại thì cười, nhưng nghĩ về quá khứ thì lại khóc.
Ly nói ngọng nên ai hỏi tên thì bé bảo là Ni. Từ đó, cái tên Nguyễn Thị Ni cũng được đặt cho cô bé. Sống ở mái ấm được 3 năm thì mái ấm đóng cửa. Ly may mắn được một người phụ nữ là chị Trần Thị Kim Tuyến (hiện sống ở quận Thủ Đức, TP.HCM, là giáo viên tiếng Anh) quý mến nên nhận nuôi vào năm 1999. Chị Tuyến không lập gia đình, chỉ có 2 người con nuôi.
Ly vẫn nhớ tên của cha là Chi, tên mẹ là Tập, đã mất và em trai tên Sinh. Sống ở nhà mẹ nuôi, Ly được yêu thương, bao bọc. Thế nhưng, Ly sống với hiện tại thì cười, khi nhớ về quá khứ thì lại khóc. Không đành lòng nhìn con như vậy, chị Tuyến đã đăng ký với chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để tìm bố cho con gái nuôi.
Anh Nguyễn Văn Chi, cha của Ly đã phải sống một cuộc đời vất vả, vợ mất, một mình gà trống nuôi con.
14 năm sau cha con mới được gặp lại
Nhờ chương trình kết nối, Ly đã được gặp lại bố, em trai, bà nội và họ hàng. Bà nội Ly khóc không đứng vững vì sau bao nhiêu năm mới được gặp lại cô cháu gái bé bỏng ngày nào.
Khi được hỏi ngày xưa vì sao lại leo rào bỏ đi, Ly gạt nước mắt nói: "Vì không ai tới thăm con". Cô bé Ly năm ấy đâu hiểu kiếm kế sinh nhai là gì, đâu hiểu bố đang bán sức lực, bán tuổi tráng niên của mình từng giờ để lo cho hai con có cái mà ăn mà học.
Cuộc đoàn tụ của Ly và gia đình sau 14 năm xa cách.
Nhưng cũng có ai hiểu, cô bé đã tổn thương tâm lý thế nào khi chứng kiến người mẹ thân yêu qua đời. Ở cái tuổi lên 9, lên 10, Ly cần những gì ngoài việc được ăn, được học. Chỉ là, số phận đã quá nghiệt ngã khiến Ly và gia đình phải chịu cảnh ly tán trong 14 năm trời.
Hơn 10 năm chạy xe, anh Chi đã mua được miếng đất, cất được ngôi nhà. Trong những năm tháng đó, động lực sống tiếp của anh chính là để lo cho bé Sinh. Gương mặt hiền lành, khắc khổ, người đàn ông kìm xúc động, gửi lời cảm ơn chân thành đến chị Tuyến, người đã giúp đỡ anh nuôi nấng Ly nên người trong suốt bao năm.
Anh Chi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chị Tuyền, người đã giúp anh nuôi nấng con gái trong những năm xa cách.
Có một điều đặc biệt bên lề câu chuyện đoàn tụ của cha con anh Chi. Đó là câu chuyện về chiếc chứng minh nhân dân của vợ anh.
Năm 1993, một hôm anh Chi mang chứng minh nhân dân của người vợ đã mất ra một hiệu ảnh ngay đầu hẻm, nhờ phóng to làm ảnh thờ. Nhưng đến ngày hẹn, hiệu ảnh không còn ở đó nữa. Lặn lội hỏi thăm, anh Chi mới biết anh thợ ảnh ly dị vợ, trả nhà thuê và đi đâu mất rồi.
4 năm sau ngày tấm chứng minh thư biến mất cùng người thợ ảnh. Một ngày, anh đang chở hàng thuê đến huyện Thống Nhất, cách nhà 10 cây số, xe đang chạy thì bỗng nhiên tắt máy, đạp mấy cũng không nổ. Thấy bên vệ đường có một bao ni lông màu hồng, anh Chi nhặt lên để bọc budi cho đỡ ướt. Một tấm chứng minh nhân dân trong đó rơi ra, tấm ảnh 3x4 đã nhòe mất một nửa. Nhưng đó là tấm chứng minh nhân dân của vợ anh, bức ảnh duy nhất của chị còn tồn tại trên cõi đời đã về lại với anh một cách kỳ lạ như thế.
Theo tintuconline.com.vn