Ba tôi không có thói quen mặc áo ở nhà. Trừ lúc có khách, ba thường ở trần và mặc quần đùi cho mát. Ngay cả khi ra vườn dọn dẹp, xây vài công trình nhỏ quanh nhà hay leo lên sửa mái dột, ba vẫn nhất quyết không chịu mặc áo.

Má tôi càm ràm suốt. Má còn bảo: “Thân hình thấy ghê mà cứ khoe!”. Má từng cất công đi từ chợ quê xuống thành phố để lựa cho ba mấy cái áo thun mặc ở nhà.

Ba mặc cái nào, má tôi cũng không ưng mắt. Cái má thấy đỡ xấu nhất thì ba tôi lại đem đi cho. Từ đó, má không mua áo cho ba nữa.

Tác giả chọn tấm vải màu xanh dương để may áo cho ba
Tác giả chọn tấm vải màu xanh dương để may áo cho ba

Khi ba có đứa cháu đầu tiên, đến lượt “cô con gái rượu” của ba càm ràm: “Ba mặc áo nào mềm mại mà không có nút thì bế em mới không bị cấn”. Trong thời gian ở nhà trông con, tôi tập tành may được cho ba cái áo màu trắng gọi là “áo ẵm em”.

Đến hẹn lại lên, ba nghiêm túc xỏ cái “áo ẵm em” mềm rủ có cái cổ rộng hoác để bế cháu cho tôi tranh thủ ăn cơm. Ba mặc cái áo đó bế từ đứa cháu thứ nhất đến đứa thứ hai thì nó chảy nhão ra tận đầu gối.

Tôi háo hức may tiếp cho ba một cái áo mới màu xám. Cái này may theo rập bán sẵn nên có vẻ ổn hơn. Tôi gửi áo ba cùng đồ bộ của má về quê.

Lúc tôi hỏi đồ mặc được không, má chẳng nói gì, chỉ gửi tôi hình ba đang loay hoay thử cái áo thun màu xám. Không biết ưng hay không nhưng ba vẫn mặc nó mỗi khi bế cháu. Còn má vẫn cứ chê ba mặc cái áo xám xịt lại hơi ôm. Thế là tôi tiếp tục hăm hở may cho ba một cái áo mới có gam màu tươi sáng hơn.

Tôi chọn tới chọn lui mới chốt được màu xanh da trời để may áo cho ba. May xong, má nhìn thành phẩm bảo: “Màu này sao ổng mặc được. Người lớn tuổi phải mặc rộng rộng chút mới đẹp. Kiểu như áo sơ mi mới dễ coi. Mà ổng thì mặc đồ gì cũng xấu...”.

Nghe má nói thế, tôi treo cái áo lên như “bản nháp” để may lại. Tôi còn chẳng buồn may cái mác để phân biệt trước sau như mọi lần.

Ba tôi nghe “đồn” sắp có áo mới nên đi ngang qua lại hỏi miết.

- Áo kia con may cho ba hả?

- Dạ, con may cho ba mà giờ thấy xấu quá nên để con may cái khác...

Rồi sau khi cái áo xấu treo cả tuần mà vẫn không thấy có “cái khác”, ba lén đem nó đi giặt luôn.

Ba thường mặc áo con gái may để bế cháu nên chiếc áo này được gọi là “áo ẵm em”
Ba thường mặc áo con gái may để bế cháu nên chiếc áo này được gọi là “áo ẵm em”

Một hôm, tôi thấy má ngồi lọ mọ may cái mác lên cổ áo ba, bèn hỏi:

- Má tự may tay luôn hả?

- Ừ, má thấy ổng mặc lộn tới lộn lui nên may cho khỏi lộn nữa.

Ba mặc áo mới, con gái cứ lải nhải: “Thấy ba mặc cái áo tội ghê”. Má lại bảo: “Cái đó đẹp nhất trong bầy áo con may đó!”.

Má tôi nói “bầy áo” nghe hùng hậu vậy chứ tính ra có 3 cái chứ mấy. Chiếc áo nào tôi may cũng đầy lỗi. Tôi thích may vá nên muốn tự may cho ba chứ ông có cả tủ quần áo to đùng.

Điều khiến tôi thấy lạ nhất là dù áo tôi may xấu xí hay kỳ cục cỡ nào thì ba vẫn mặc ngay, thậm chí không chờ giặt. Má tôi thấy vậy cứ trêu: “Áo con gái ổng may mà!”.

Theo phụ nữ TPHCM